Tại hội thảo Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông ngày 28/8 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia chỉ ra những vấn đề bất bình đẳng giới và giáo dục giới tính tồn tại trong sách giáo khoa và đề ra những cách thức cải thiện trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Ông Trần Kim Tự, Cục phó Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết theo báo cáo nghiên cứu của Bộ và UNESCO, vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới. Thứ nhất là mất cân đối về số lượng tác giả nam và nữ trong sách giáo khoa.
Thứ hai là mất cân đối về tỷ lệ nhân vật nam và nữ. Thứ ba là hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ chưa phản ánh được xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Thứ tư là nội dung về giáo dục giới tính, kỹ năng sống chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức.
Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của sáu môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có gần 8.300 nhân vật được đề cập, trong đó nam giới chiếm 69%, nữ 24% và trung tính về giới (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh) là 7%. Trong gần 8.000 nhân vật trong các hình ảnh, nam giới chiếm 58%, nữ 41%, còn lại trung tính. 95% ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng là nam giới.
Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn. Ở tiểu học, tỷ lệ nhân vật nam xuất hiện trong sách giáo khoa chỉ ở mức 51%. Nhưng lên tới cấp trung học phổ thông, con số này đã tăng lên thành 81%.
Nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa cũng đa dạng hơn. Nếu nữ chỉ làm nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng và là phái yếu, phải phụ thuộc thì nhân vật nam trong sách giáo khoa là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội, là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định.
“Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong sách giáo khoa, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất”, ông Tự nhận định.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cho biết giáo dục bình đẳng giới Việt Nam đi chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Lấy ví dụ về một số quốc gia như Anh, Hà Lan, Malaysia, bà Hoa cho rằng Việt Nam phải nâng cao quan điểm, nhận thức về giới và lồng ghép giới cho các nhà giáo dục và cả cha mẹ học sinh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khẳng định nội dung bình đẳng giới và giáo dục giới tính sẽ được chú trọng hơn trong chương trình mới. Đặc biệt, kiến thức về sức khỏe sinh sản sẽ được đưa vào sách giáo khoa từ lớp 4, sớm hơn một năm so với chương trình hiện hành, và giáo dục giới tính nói chung có thể được giới thiệu từ mầm non.
Ở chương trình mới, bình đẳng giới sẽ là nội dung chính ở một số môn chứ không phải chỉ đơn thuần là lồng ghép, ví dụ ở môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm ở cấp THCS; Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật ở cấp THPT...
Ngoài ra, kiến thức về giáo dục giới tính và bình đẳng giới có thể được lồng ghép và là nội dung tích hợp ở tất cả môn học, trong đó mạnh nhất và sâu sắc nhất là ở môn Ngữ văn. "Tuy nhiên, những nội dung này vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị, gây ý kiến trái chiều nên xã hội chưa chắc đã đồng tình. Các chuyên gia thì nói đưa muộn khiến học sinh bị thiếu kiến thức. Nhiều người lại e ngại đưa sớm sẽ dễ vẽ đường cho hươu chạy", ông Thuyết phân tích.
Trước ý kiến về những dấu hiệu bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện hành, ông Thuyết cho rằng có vấn đề có thể khắc phục ngay nhưng một số khác thì chỉ có thể dùng hai từ "cố gắng".
"Về việc cân bằng số lượng tác giả nam và nữ trong sách giáo khoa, ban biên soạn rất muốn nhưng tiêu chí số một để lựa chọn tác phẩm phải là nội dung và nghệ thuật. Có thể do ảnh hưởng của xã hội phong kiến trước đây nên số tác giả nữ giới không nhiều so với nam giới nên việc này chỉ có thể khắc phục trong tương lai và không nên nhìn vào số lượng ở khía cạnh này", ông Thuyết giải thích.
Về hình minh họa trong sách giáo khoa, tổng chủ biên chương trình mới cũng phải giật mình khi nhìn lại. "Có thể bản thân người biên soạn, họa sĩ cũng có suy nghĩ nữ gắn với nghề nghiệp này, nam gắn với nghề nghiệp kia nên viết và vẽ ra, đến bây giờ nhìn lại mới thực sự thấy vấn đề", ông Thuyết nói và khẳng định sẽ sớm tổ chức tập huấn cho tác giả viết sách giáo khoa, các biên tập, họa sĩ, nhà xuất bản để khắc phục ngay vấn đề bất bình đẳng giới trong hình minh họa.