Sau hai ngày rời khỏi bon Bu Krăk, xã Quảng Trực - nơi đất bị sụt lún, nứt kéo dài, chị Thị Phí (30 tuổi) vẫn còn cảm giác thấp thỏm và chưa biết lúc nào có thể trở lại cuộc sống bình thường trong căn nhà của mình.
Được bố mẹ cho căn nhà cấp 4 ở bon Bu Krăk, mấy năm nay chị sống một mình và làm nương rẫy. Căn nhà lớn làm bằng gỗ, bếp được xây bêtông từ lâu, nhưng vẫn còn kiên cố, chưa có dấu hiệu nứt nẻ. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa kéo dài, sáng 1/8 chị bất ngờ thấy trên nền nhà, tường bêtông xuất hiện nhiều vết nứt. Một số vị trí rộng đến 5 cm.
Nước mưa theo vết nứt tạt vào, khiến căn bếp ướt nhẹp. Một lúc sau, chị Phí mới biết nhiều nhà dân trong xóm cũng bị tình trạng tương tự. Ngoài đường, cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt. "Mấy chục năm sống ở đây, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nay bao giờ", chị Phí nói và cho biết đã dời đến ở với bố mẹ cách đó hơn 10 km để tránh trú, theo sự vận động của chính quyền địa phương.
Cách xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức khoảng 80 km, hôm 2/8, cơ quan chức năng cũng phát hiện hơn 20 m mặt đường quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm thành phố Gia Nghĩa bị nứt. Nhà cửa dọc tuyến đường cũng bị nứt nẻ, buộc chính quyền phải di tản 48 người. Phạm vi ảnh hưởng của vị trí sụt lún khoảng 300 m. Cùng ngày, huyện Đăk Song ghi nhận thêm hai vết nứt dài chừng 300 m (rộng 20 cm-2 m) ở thôn 8, xã Trường Xuân và thôn 11, xã Nam Bình.
Cùng thời điểm, khu dân cư cạnh dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà cũng xuất hiện nhiều vết nứt khoảng 30 cm. Một số vị trí vết nứt rộng đến 50 cm, đất sụt lún sâu 1,5 m. Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Đông Thanh, cho biết đầu tư xây căn nhà hết 3,7 tỷ đồng, vừa mới tân gia hồi tháng 3. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa lớn, cả khu đất bị kéo xuống khiến căn nhà bị nứt tường, buộc gia đình ông và hàng xóm cũng phải rời đi để đảm bảo an toàn.
Trước đó, hôm 30/7, đất đá trên đèo Bảo Lộc, huyện Đa Huoai tràn xuống vùi lấp trạm cảnh sát giao thông Madagui khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 chiến sĩ. Theo thống kê, trên địa bàn hiện tỉnh này vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ.
Ông Đoàn Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, vết nứt ở bon Bu Krăk ban đầu dài khoảng 200 m, sau đó lan rộng gần 1,5 km, kéo dài đến bon Bu Prăng. Đến hôm nay, vết nứt không tiếp tục lan dài, nhưng miệng vết nứt mở rộng thêm 2 cm và xuất hiện nhiều vết chân chim.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt chính quyền đã di dời khoảng 200 người dân. Đa số họ được bố trí ở tạm trong trường học, số còn lại đến nhà người thân tạm trú. "Nhiều người vẫn còn lo lắng, song địa phương đã trấn an, đồng thời cử lực lượng bảo vệ tài sản cho họ", ông Thuận nói.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông Lê Quang Dần, nói rằng muốn xác định nguyên nhân sụt lún, sạt lở đất phải có sự nghiên cứu chuyên sâu về địa chất. Bởi thực tế cho thấy trong rừng tự nhiên cũng xảy ra hiện tượng sạt lở ngay cả ở những vùng đất có cây lớn. "Việc giữ rừng, nhất là rừng tự nhiên sẽ góp phần hạn chế thiên tai, trong đó có hiện tượng sạt lở đất", ông Dần nói.
Trong khi đó, chiều 3/8, sau khi kiểm tra tình trạng sụt lún quanh hồ thuỷ lợi Đông Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu phải quan trắc hàng ngày; tiếp tục thực hiện đồng thời các giải pháp kỹ thuật, kiểm tra địa chất để có hướng xử lý. Đồng thời, các sở ngành được yêu cầu mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, lý giải hiện tượng nứt đất, sụt lún do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. "Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, mà mọi người cho rằng đó là tiếng nổ", ông Văn nói.
Chuyên gia này giải thích, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng km, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra. Hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được và cơ quan chức năng về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm.
TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho rằng tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên đều liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... khiến hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật.
Theo ông, nhiều người đổ xô trồng cây cao sản, đặc sản mà không còn chú trọng đến an toàn trong vườn của mình nữa. Ở đó, các thảm thực vật đã biến mất, khi gặp mưa to kéo dài, đất ngấm nước tạo thành những dòng chảy ngầm, cấu trúc đất đá bị rã, vỡ sẽ dẫn đến sạt lở, sụt lún. "Vụ sạt lở ở vườn sầu riêng trên đèo Bảo Lộc, khiến 4 người tử vong vừa qua là bằng chứng", ông Long nói.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc lạm dụng các chất hóa học làm sạch mặt bằng khiến hệ vi sinh vật đóng vai trò giữ vững kết cấu đất biến mất. Lúc này đất sẽ không tự bảo vệ được nữa. "Mọi sự tác động tiêu cực sẽ tích lũy từng ngày và chúng ta phải hứng chịu những bài học đáng tiếc như vừa rồi", ông nói và thêm rằng hiện tượng này sẽ chưa dừng lại.
Về giải pháp, TS Vũ Ngọc Long cho rằng cơ quan chức năng cần phải đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu. Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún.
Theo đó, ngành nông nghiệp nên hướng đến sản xuất an toàn, bền vững. Trong mỗi khu vườn, các loại cây trồng phải có mối liên kết với nhau bằng cách trồng xen canh các cây họ gừng, cỏ tre để bảo vệ đất trong các vườn sao su, cà phê hay sầu riêng.
Đăng Khoa - Trần Hóa