Cá tra dầu khổng lồ sông Mekong là những "gã khổng lồ" nước ngọt, có thể dài tới 3 m và nặng 300 kg. Chúng chỉ được tìm thấy ở sông Mekong, Đông Nam Á, nhưng trước đây từng sống trên toàn bộ dòng sông dài 4.900 km này, từ cửa sông ở Việt Nam đến những nhánh sông phía bắc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Số lượng cá tra dầu giảm mạnh tới 80% trong vài thập kỷ gần đây do đánh bắt quá mức, đập nước chặn đường di cư sinh sản và những vấn đề khác. Trong số hàng triệu người dựa vào sông Mekong để kiếm sống, rất ít người từng thấy chúng. Việc phát hiện 6 con cá khổng lồ trong vòng 5 ngày chưa từng xảy ra trước đây.
Hai con đầu tiên được tìm thấy trên sông Tonle Sap, một nhánh của sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Chúng được gắn thẻ nhận dạng rồi thả lại. Hôm 10/12, ngư dân bắt thêm 4 con cá tra dầu khác, trong đó có hai con dài hơn 2 m, nặng lần lượt 120 kg và 131 kg. Chúng có vẻ đang di cư từ vùng bãi bồi gần hồ Tonlé Sap của Campuchia, đi lên phía bắc dọc theo sông Mekong, có khả năng đến các khu vực sinh sản ở miền bắc Campuchia, Lào hoặc Thái Lan.
"Đây là tín hiệu mang đến hy vọng rằng loài này sẽ không sớm tuyệt chủng, ví dụ như trong vài năm tới. Điều này cung cấp thêm thời gian để tiến hành các hoạt động bảo tồn và tiếp tục ngăn sự suy giảm, hướng tới phục hồi", Zeb Hogan, nhà sinh học nghiên cứu tại Đại học Nevada Reno, cho biết.
Vẫn còn nhiều điều chưa biết về cá tra dầu khổng lồ, nhưng trong hai thập kỷ qua, chương trình bảo tồn hợp tác giữa tổ chức Wonders of the Mekong và Cơ quan Thủy sản Campuchia đã bắt, gắn thẻ và thả khoảng 100 con, thu được thông tin về cách di cư, nơi sinh sống và sức khỏe của chúng. "Thông tin này hỗ trợ thiết lập các hành lang di cư và bảo vệ môi trường sống, giúp cá tra dầu tồn tại trong tương lai", Hogan nói.
Cá tra dầu Mekong từ lâu đã là một phần quan trọng trong văn hóa khu vực. Chúng xuất hiện trong những bức tranh hang động 3.000 năm tuổi và được coi là một biểu tượng của dòng sông, nơi thủy sản nuôi sống hàng triệu người và được định giá 10 tỷ USD mỗi năm.
Cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn. Ngư dân hiểu tầm quan trọng của việc báo cáo những trường hợp bắt được cá hiếm và nguy cấp cho nhà chức trách, giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận nơi cá bị bắt để đo lường, gắn thẻ trước khi thả ra. "Sự hợp tác của họ rất cần thiết cho nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn của chúng tôi", Heng Kong, giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản Nội địa Campuchia, cho biết.
Thu Thảo (Theo Guardian)