![]() |
Bị can Lê Tuấn Long cúi đầu, tra tay vào còng. |
Tại Hà Nội, Cục cảnh sát kinh tế đã thực hiện lệnh bắt Nguyễn Viết Hoa, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty Xăng dầu hàng không và Lê Mạnh Hà, kế toán trưởng công ty.
Tại TP HCM, cơ quan công an đã bắt 3 đối tượng. Một là, Lê Tuấn Long (sinh năm 1959), Giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh, bị bắt và khám xét tại trụ sở số 185-187 Nguyễn Biểu, phường 2, quận 5. Hai là Nguyễn Văn Giao, nguyên Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Xí nghiệp Thương mại dầu khí miền Nam, thuộc Công ty Xăng dầu hàng không. Giao sinh năm 1958, bị bắt và khám xét nhà riêng tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Đối tượng thứ ba là Lê Anh Vân, sinh năm 1962, Giám đốc xí nghiệp Thương mại Dầu khí miền Nam, thuộc Công ty Xăng dầu Hàng không, bị bắt tại nhà FF12AB, đường Ba Vì, phường 15, quận 10. Ngoài 3 đối tượng trên, tại TP HCM, Cục cảnh sát kinh tế còn khám xét hai địa điểm liên quan là số 121 đường Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5 và số 60 C, đường Trường Chinh, quận Tân Bình.
Đến 14h chiều nay, 3 đối tượng bị bắt ở TP HCM đã được di lý ra Hà Nội.
Cũng liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu vợ chồng Trần Thế Hùng cầm đầu, hôm qua, Cục Cảnh sát kinh tế đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt, khám xét 3 đối tượng liên quan. Đó là Đỗ Như Quế, phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Phạm Quang Khiêm, nguyên kế toán trưởng công ty và Hồ Văn Thuận, Giám đốc Xí nghiệp Hoa Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai.
Vụ buôn lậu xăng dầu bằng cách tạm nhập tái xuất khống của vợ chồng Trần Thế Hùng - Phạm Thị Ánh được đánh giá là có quy mô lớn, thậm chí lớn hơn cả vụ án Mai Văn Huy. Kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, năm 1996, Nguyễn Thế Hùng cùng vợ thành lập doanh nghiệp tư nhân Nhật Giang (ở Long Xuyên, An Giang) với 2 chiếc tàu chuyên vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia.
3 năm sau, họ hợp tác với Nguyễn Văn Dũng (Dũng “Bùa”) thành lập Công ty TNHH Thành Phát (Tiền Giang) và mua thêm 7 chiếc tàu chở dầu. Ngoài ra ông Hùng còn hợp tác với Wong Chuan Siang lập ra Công ty Sunriver ở Singapore (Hùng làm chủ tịch HĐQT), và mua 40.000 m2 đất ở Campuchia trị giá 45.000 USD để xây dựng một kho chứa dầu lớn. Hoạt động buôn lậu xăng dầu của vợ chồng Hùng được tiến hành thông qua các công ty này.
Thành Phát không có chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu nên Hùng mua lại quota nhập khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển. Trên cơ sở đó, Thành Phát nhập xăng dầu từ Sunriver vào Việt Nam bán lại theo thủ tục tạm nhập cho Nhật Giang. Sau đó doanh nghiệp này làm thủ tục tái xuất sang Campuchia, nhưng thực chất là tái xuất khống bằng nước lã. Bằng 48 chuyến tàu tái xuất khống, ông chủ Nhật Giang đã giữ lại tiêu thụ trong nước khoảng 27.800 tấn xăng dầu các loại, không phải chịu thuế nhập khẩu. Tổng thiệt hại ước tính 80 tỷ đồng.
Theo lời khai của các bị can đã bị khởi tố cùng tài liệu hồ sơ liên quan, số tiền vợ chồng Trần Thế Hùng lo lót để tạm nhập tái xuất lậu trót lọt cho mỗi chuyến tàu xăng dầu là hơn 200 triệu đồng. Người cầm đầu đường dây buôn lậu này cùng đồng phạm đã câu kết với một số cán bộ hải quan và bộ đội biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) lập hồ sơ xác nhận khống tài xuất xăng dầu sang Campuchia. Một số cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển, Công ty Vinacontrol và Công ty SGS cũng tiếp tay cho Hùng làm hồ sơ giả đổi xăng tái xuất thành dầu, giảm số lượng tái xuất giúp một số doanh nghiệp khác trốn thuế, hoặc kiểm định sai thực tế để Hùng bơm nước lã vào tàu, giả là xăng dầu tái xuất sang Campuchia.
V. Hòa