Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41 và Thông tư 13 (ban hành năm 2018) của Ngân hàng Nhà nước, trong đó, Thông tư 41 quy định về phần lớn nội dung của hai trong ba trụ cột Basel II là tỷ lệ an toàn vốn và công bố thông tin.
Đến nay, 18 cái tên đã công bố áp dụng Thông tư 41 sớm, gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam và BIDV. Trong số đó, thậm chí đã có trường hợp áp dụng thành công cả ba trụ cột Basel II sau một năm được chấp thuận áp dụng sớm Thông tư 41.
Trong nhóm 10 nhà băng được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm thực hiện sớm, Sacombank và VietinBank đến nay vẫn chưa áp dụng Basel II thành công. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã "mở đường" bằng quy định mới ban hành từ tháng 11. Theo đó, các nhà băng lỡ hẹn đầu năm 2020 sẽ được xem xét, lùi thời hạn áp dụng sang đầu 2023 nếu thông báo trước cho nhà điều hành.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Văn Ron, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Sacombank cho biết, từ trước, ngân hàng đã quyết định xin rút khỏi danh sách thí điểm áp dụng Basel II sớm bởi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam nên cơ cấu danh mục tài sản có nhiều sự thay đổi.
Ông Ron khẳng định Sacombank đảm bảo áp dụng tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đúng thời hạn đầu 2020. Với hai trụ cột còn lại của Basel II, ngân hàng đang triển khai đồng bộ nhiều dự án với các đơn vị tư vấn, giải pháp công nghệ hàng đầu nhằm đáp ứng Basel II một cách toàn diện.
Trong khi BIDV phút chót đã gỡ được nút thắt về tăng vốn sau thương vụ với KEB Hana Bank để kịp áp dụng Basel II, VietinBank vẫn vướng mắc với tăng vốn. Một lãnh đạo VietinBank cho VnExpress biết, Chính phủ cũng đang sửa đổi Nghị định 91 với quan điểm đồng ý cho ngân hàng có vốn nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Sau khi tăng vốn thành công, VietinBank sẽ đáp ứng được chuẩn mực về tỷ lệ an toàn vốn, vị này cho hay. Như vậy, VietinBank sẽ "chậm" với thời hạn áp dụng Basel II vào đầu 2020 và tiến độ phụ thuộc khá nhiều vào quyết định từ cơ quan quản lý.
Khó khăn về tăng vốn là vấn đề chung, đặc biệt là của nhóm ngân hàng nhà nước có vốn nhà nước. Agribank cũng nằm trong "thế khó" tương tự. Nhà nước nắm 100% vốn của Agribank, trong nhiều năm liền ngân hàng cũng không được phép giữ lại lợi nhuận, nhà băng chỉ có thể tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Tính đến cuối tháng 6/2019, vốn điều lệ của Agribank là 30.496 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nếu các nhà băng vốn Nhà nước không được tăng vốn, hệ quả là "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng".
Basel II có ba trụ cột chính. Trụ cột một yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), trụ cột hai về rà soát giám sát và trụ cột ba về thực hiện các nguyên tắc thị trường. Áp dụng Basel II giúp tăng cường năng lực tài chính, tăng cường quản trị rủi ro cho ngân hàng nhưng để tuân thủ các chuẩn mực, đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng không chỉ về nhân lực, vật lực mà cả trình độ quản trị điều hành.
Quỳnh Trang