Hôm 2/4 vừa qua, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA thông báo quyết định cấm Barca tham gia các hoạt động chuyển nhượng cho đến mùa hè năm 2015. Đây là một cú sốc lớn với đội bóng tầm cỡ như Barca, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mọi chiến lược mà họ ấp ủ.
Khẩu hiệu "Més que un club" (Hơn cả một câu lạc bộ) từng được Barca lấy làm tôn chỉ cho giá trị đạo đức tại đây. Trong thế giới kim tiền, họ chấp nhận cho UNICEF quảng cáo miễn phí trên áo đấu, bên cạnh những màn trình diễn tấn công phóng khoáng của siêu sao số một thế giới Lionel Messi làm say đắm lòng người hơn nửa thập kỷ qua. Barca trở thành hình mẫu mà mọi đội bóng đeo đuổi và là "của lạ" trong bóng đá hiện đại.
Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi nhanh chóng chỉ sau vài sự kiện không mong chờ ngoài sân cỏ.
Tháng 12/2012, khi Barca thông báo HLV Tito Vilanova mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt. Tin tức này nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ giới bóng đá nhưng cũng làm bộc lộ sự chia rẽ giữa Barca và HLV cũ Pep Guardiola - người dẫn dắt đội bóng đến với 3 chức vô địch La Liga và 2 Champions League từ năm 2008 đến 2012. Cuộc chiến sau đó nổ ra trên mặt báo khi Chủ tịch Sandro Rosell và Guardiola có những phát biểu bóng gió chỉ trích nhau.
Vilanova phải nằm viện hai tháng tại New York (Mỹ), thành phố mà Pep Guardiola và gia định sống lúc đó. Chủ tịch Rosell "bỗng dưng" tiết lộ với báo chí rằng Guardiola không mấy khi tới thăm người bạn thân, và điều đó ngay lập tức vấp phải sự đáp trả dữ dội của chiến lược gia gốc Catalan.
"Quá nhiều chuyện đã vượt qua giới hạn. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cách mà họ sử dụng bệnh tật của Vilanova nhằm làm tổn thương tôi", Guardiola nói.
Rắc rối nối tiếp rắc rối với Barca về cách đối nhân xử thế. Cuối mùa giải năm ngoái, họ quyết định chia tay hậu vệ Eric Abidal. Một quyết định mà sau đó Abidal nhiều lần nhắc lại rằng đó không phải là ý muốn của anh. Hậu vệ người Pháp là một hình mẫu tuyệt vời khi chiến đấu chống lại bệnh ung gan để trở lại thể thao đỉnh cao. Rất nhiều cổ động viên bày tỏ tâm nguyện đội bóng hãy giữ Abidal và la ó Rosell trong trận đấu cuối cùng của Abidal tại Barca.
Trước đó ít tháng, lãnh đạo Barca đưa ra "bản hợp đồng thế kỷ" khi lần đầu tiên chấp nhận quảng cáo thương mại trên áo đấu. Hợp đồng với Qatar Airways trị giá 30 triệu euro một năm làm tổn hại danh tiếng của Barca và cá nhân Chủ tịch Rosell. Một số cổ động viên cho biết họ cảm thấy bị lừa khi đội bóng in logo quỹ từ thiện Qatar Foundation trước đó như bước đệm cho hợp đồng trên.
Scandal đáng chú ý nhất về cá nhân một cầu thủ Barca nổ ra vào tháng 6/2013 khi Messi bị cáo buộc trốn thuế tại Tây Ban Nha. Ngôi sao người Argentina và cha là ông Jorge sau đó phải nộp lại 5 triệu euro tiền phạt để tránh bị chính quyền tuyên mức án nặng hơn.
Những đốm lửa nhỏ dần bùng lên thành đám cháy lớn thiêu rụi đi tấm màn nhung xung quanh Barca. Bê bối đình đám liên quan tới Neymar nổ ra ngay đầu năm 2014. Tòa án Tây Ban Nha quyết định điều tra Chủ tịch Rosell về nghi vấn tham ô và trốn thuế tiền chuyển nhượng ngôi sao chuyển đến từ Santos, Brazil. Sau đó Barca thừa nhận số tiền mua Neymar thực sự là 86,2 triệu euro chứ không phải 57,1 triệu euro như thông báo.
Scandal này chấm dứt sự nghiệp của Rosell tại Barca. Ông phải tuyên bố từ chức, nhường chỗ cho phó chủ tịch Bartomeu.
Phải mất một thời gian sau khi Rosell ra đi, Barca mới trở lại nhịp hoạt động bình thường. Ban lãnh đạo đội bóng cũng bắt đầu tái khởi động kế hoạch cải tạo sân Nou Camp với gói đầu tư 600 triệu euro. Kế hoạch này sẽ nâng sức chứa tại Nou Camp lên 105.000 ghế, bên cạnh một tổ hợp công trình bao gồm nhà thi đấu bóng rổ 12 nghìn chỗ.
Tuy nhiên tham vọng của Barca đang đứng trước nguy cơ chỉ tồn tại trên giấy sau lệnh cấm chuyển nhượng vừa qua. Án phạt của FIFA đưa ra nhằm trừng phạt Barca vì các sai phạm khi chuyển nhượng bất hợp pháp cầu thủ dưới 18 tuổi. Họ bị cho là liên quan đến 10 trường hợp bất hợp pháp, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2013. Họ và LĐBĐ Tây Ban Nha (REFE) bị Hội đồng kỷ luật của FIFA điều tra hơn một năm nay.
Với scandal mới nhất này, Barca một lần nữa đứng trước sóng gió và không loại trừ tân chủ tịch Josep Maria Bartomeu phải chấp nhận hy sinh. Trên lý thuyết, Barca thuộc về 160 nghìn hội viên, và những phản hồi đầu tiên cho thấy họ đang hết kiên nhẫn với tình hình hiện tại.
Chưa thể khẳng định Barca sẽ suy tàn vì lệnh cấm của FIFA nhưng sau hàng loạt sự kiện vừa qua, đội bóng xứ Catalan cho thấy họ "cũng chỉ là một câu lạc bộ" khi tấm màn đẹp đẽ hạ xuống.
Danh sách sự kiện gây tranh cãi của Barca |
Tháng 5/2012: Pep Guardiola quyết định thôi dẫn dắt Barca, Tito Vilanova lên thay thế. Tháng 12/2012: Vilanova tạm nghỉ để phẫu thuật, trở lại làm việc sau đó hơn ba tháng. Tháng 3/2013: Barca công bố bản hợp đồng in logo Qatar Airways trên áo đấu. Đây là hợp đồng thương mại đầu tiên lên áo đấu trong lịch sử đội bóng. Tháng 5/2013: Eric Abidal chia tay Barca, chỉ một tháng sau khi trở lại từ ca phẫu thuật ghép gan. Tháng 6/2013: Messi bị cáo buộc trốn thuế và phải nộp phạt. Tháng 7/2013: Vilanova từ chức huấn luyện viên vì lý do sức khỏe. Tháng 1/2014: Sandro Rosell từ chức chủ tịch Barca sau những cáo buộc về trốn thuế và tham ô trong vụ chuyển nhượng Neymar. Tháng 2/2014: Barca phải trả thêm 11,2 triệu bảng tiền thuế cho vụ Neymar nhưng vẫn một mực khẳng định không làm sai. Tháng 4/2014: FIFA cấm Barca chuyển nhượng trong 14 tháng vì mua bán bất hợp pháp cầu thủ dưới 18 tuổi. |
Bảo Lam