* Trận Barca - Man City diễn ra lúc 20h45 ngày 19/10 giờ địa phương (tức 1h45 ngày 20/10 theo giờ Hà Nội).
Joan Laporta luôn mỉm cười khi có ai đó gợi lại cuộc trò chuyện giữa ông và Pep Guardiola vào mùa xuân năm 2008. Bởi đấy là cuộc trò chuyện đã làm thay đổi lịch sử Barcelona, Lionel Messi và La Liga. Lúc đó, HLV đương nhiệm của Barca, Frank Rijkaard đã biết ông phải rời Nou Camp vào cuối mùa, và CLB đang cân nhắc các ứng viên thay thế.
Guardiola là một trong số ứng viên, dù không thật sự sáng giá. Khi ấy, ông mới 38 tuổi, chưa từng có kinh nghiệm cầm quân đỉnh cao và chỉ có hơn một năm làm việc tại đội trẻ. Laporta nhớ lại: "Mọi người biết Pep nói gì với tôi lúc đó không? Cậu ấy bảo chúng tôi chẳng có... bi (cách nói phổ thông ở Tây Ban Nha, dùng để ám chỉ sự nhát gan, không đủ phẩm chất đàn ông)".
Thực ra, Laporta... có bi, bởi ý tưởng đưa Guardiola vào danh sách ứng viên ngay từ đầu là của ông. Nhưng Laporta không thể tự ra quyết định. Ông phải rà soát, nâng lên đặt xuống tất cả những cái tên trên bàn, vốn là kết quả của những nghiên cứu tỉ mỉ về chuyên môn của cả một ban tư vấn. Nhưng Laporta đã có chủ ý riêng: phải mang Barca trở lại với tinh thần của Cruyff. Ông thậm chí đã nghĩ đến việc mời Cruyff trở lại.
Ý tưởng này không phù hợp, nhưng nếu đấy là học trò cưng của Cruyff thì sao? Giám đốc thể thao của Barca khi ấy, Txiki Begiristain, chính là đồng đội cũ của Guardiola ở "Dream Team" ngày trước. Ông đã quan sát Guardiola rất kỹ từ khi bổ nhiệm ông làm HLV của Barcelona B. Từ một cậu bé nhặt bóng trở thành cầu thủ đội một, mang băng thủ quân, lưu lạc rồi quay về làm việc cùng đội trẻ. Nếu Pep lên dẫn dắt đội một, đấy rõ ràng là một câu chuyện đẹp.
Nhưng Barca đang khủng hoảng. Kinh nghiệm và danh tiếng của những ứng viên nặng ký hơn, Jose Mourinho chẳng hạn, rõ ràng mang đến một sự yên tâm lớn hơn. Nhưng trong cuộc họp quyết định, Laporta nói: "Tôi chọn triết lý!"
Man City cũng thế. Giữa một thời đại mà nhà nhà mua cầu thủ, người người thay HLV, họ quyết định xây cho mình một nền móng. Phó Chủ tịch Barca dưới thời Laporta - Ferran Soriano - được mời về sân Etihad làm Giám đốc điều hành. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên giữa các bên vào tháng 12/2011, Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan và Khaldoon al-Mubarak đã cho thấy quyết tâm đi theo mô hình của Barcelona.
Không lạ khi sau khi chính thức ngồi vào chiếc ghế điều hành của Man City, việc đầu tiên Soriano làm là gọi điện cho Txiki Begiristain, rủ người bạn cũ về cùng ông... làm sếp. Rất nhanh chóng, Begiristain được bổ nhiệm làm Giám đốc thể thao. Và cả hai không cần phải nói ra điều mà thâm tâm đã biết rất rõ: chiếc ghế HLV trưởng sớm muộn gì cũng phải có Guardiola trên đó.
Khi Man City chạm trán Barcelona hôm nay, đấy là lúc bầu đoàn thê tử của ba người này gặp lại đội bóng cũ. "Tôi ước gì đối thủ cùng bảng là một đội bóng khác," Begiristain nói sau khi nhìn vào kết quả bốc thăm vòng bảng Champions League mùa này. "Nhưng tôi cũng mừng vì gặp lại những người bạn cũ".
Không rõ các cule nhìn nhận thế nào về Man City, về những người cũ nay chuyển sang làm cho một đội bóng khác. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn hay bắt gặp những quán ăn có cái tên tương tự nhau, bán cùng một món, chất lượng gần như tương đương. Nhưng ở một quán ra đời trước, người ta đã thêm vào ấy chữ "gốc" để phân biệt với những người mang công thức bí truyền đi nấu chỗ khác. Nếu triết lý của Cruyff là công thức nấu phở, tất nhiên Nou Camp là cửa hàng gốc, Etihad chỉ là... bản sao.
Man City đang gò theo Barca. Họ cố nghĩ như người Catalan, cố đá như Catalan và cố xây Etihad Campus cho giống La Masia. Nhưng con đường ấy tất nhiên còn mờ mịt. Barca hôm nay không còn trọng dụng các cầu thủ tự đào tạo như dưới thời Guardiola. Nhưng đội hình chính của họ vẫn thường xuyên có một nửa là từ La Masia. Man City vừa muốn tạo dựng triết lý, nhưng cũng vừa muốn có Cup. Và vì thế, con đường để các cầu thủ tự đào tạo của họ chen chân vào đội một e vẫn còn xa.
Có một thực tế là bóng đá hiện tại thay đổi rất nhanh. Nó khiến cho những kế hoạch dài hơi gặp rất nhiều trở ngại. Huống chi Man City hiện nay ở tình thế hoàn toàn khác với Barca ngày trước. Khi Laporta thắng cử hồi 2003, Barca đã bốn năm không danh hiệu. Họ đang nợ hơn 200 triệu đôla, và quỹ lương chiếm 88% tổng doanh thu. Soriano vạch ra kế hoạch giảm con số ấy xuống còn 50% và sạch nợ trong vòng năm năm. Mà muốn thế, CLB phải tăng doanh thu. Lúc ấy, Barca chỉ xếp thứ 10 trong danh sách CLB kiếm tiền nhiều nhất, và theo lời Soriano là họ đang trở thành một "đội bóng trung bình". Vị phó Chủ tịch nhấn mạnh: cần phải có tầm nhìn chiến lược để CLB phát triển lâu dài, phải đưa được hình ảnh Barca đến với hang cùng ngõ hẻm. Mà muốn thế, Barca phải có cầu thủ hút truyền thông.
Có lẽ bạn đọc vẫn chưa quên. Lời hứa của Laporta khi tranh cử Chủ tịch là mua David Beckham. Soriano tin Beckham sẽ giúp Barca thực hiện được cái "tầm nhìn chiến lược" nêu trên. Kết quả? Florentino Perez đợi Barca thương thảo xong thì nhảy vào "cuỗm" tay trên cầu thủ người Anh. Bản hợp đồng ấy báo hại Real rất nhiều sau này về chuyên môn, nhưng bù lại, đưa họ lên đầu danh sách kiếm tiền, đánh bật Man Utd ra khỏi cái vị trí ngỡ như bất khả xâm phạm đó.
Trở lại với Barca. Khi ấy, Soriano quả thực muốn học theo mô hình của Man Utd. Chính ông viết vào năm 2009 như sau: "Tôi thừa nhận là David Gill đã truyền đến tôi rất nhiều cảm hứng thông qua chiến lược thương mại và makerting của ông ấy. Tôi xin cám ơn ông ấy vì đã trao cho tôi nhiều bài học".
Khi Barca mua hụt Beckham, họ thất vọng não nề, hoàn toàn không biết mình vừa "trúng số độc đắc" với bản hợp đồng mang tên Ronaldinho. Và chính Ronaldinho, với những năm tháng rực rỡ nhất của đời cầu thủ, đưa Barca trở lại bản đồ bóng đá thế giới. "Anh ấy thay đổi lịch sử chúng tôi", Xavi nói. Trong khi đó Begiristain khẳng định: "Anh ấy còn đáng giá hơn tất cả chúng tôi ở Ban lãnh đạo".
Với Ronaldinho cùng nụ cười hồn nhiên tuyệt đẹp, hình ảnh Barca cùng với thông điệp "Més que un club" (Hơn cả một CLB) đã đi đến hang cùng ngỏ hẻm như ý nguyện của Soriano. Với Ronaldinho, Barca giành hai chức vô địch La Liga và một Champions League. Vận may đã mỉm cười với ông và các cộng sự, bởi họ mua hụt một viên đá saphire (Beckham), nhưng lại vớ phải một viên kim cương. Hôm nay, liệu Man City có thể kiếm được một viên kim cương như Ronaldinho, dạng cầu thủ mà có khi mấy chục năm mới xuất hiện một lần?
Tức là trước khi Guardiola xuất hiện và làm thay đổi Barca, Ronaldinho đã làm điều đó. Guardiola giỏi nhờ đứng trên vai những người khổng lồ, chứ không phải vì bản thân ông là một người khổng lồ. Soriano hứa với ông chủ Man City là sẽ có ít nhất năm danh hiệu trong năm năm. Còn Begiristain, không lâu trước khi đến Man City, đã nói: "Barca hấp dẫn không chỉ vì phong cách mà vì họ giành nhiều danh hiệu. Không có danh hiệu, hấp dẫn là vô nghĩa".
Thất bại trước Tottenham và trận hòa trước Everton bước đầu cho thấy cuộc sống ở Anh vốn không đơn giản như Guardiola nghĩ. Việc ông cắt WIFI trong khu vực tập luyện và phòng thay đồ cho thấy ông đang cố đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Hai quả phạt đền hỏng ăn chỉ trong trận gặp Everton cho thấy vận may bắt đầu chống lại ông. Và cuộc chạm trán Barca sẽ nhắc nhở Guardiola về thời tươi đẹp nhất của ông.
Chỉ có điều nó có quay trở lại ở Man City hay không thì vẫn còn là một câu hỏi?
Thuỷ Tiên