"Chúng ta chẳng có bất kỳ sự lựa chọn nào khác, ngoài việc bỏ phiếu", Pep Guardiola đã nói như thế trong một cuộc tuần hành chính trị thu hút 40.000 người Catalan hồi tháng 6. Barca không có sự lựa chọn trong cuộc chiến giữa Catalonia và chính quyền Madrid. Họ buộc phải đứng về phe muốn giành độc lập, cho dù Ban lãnh đạo của họ có nhét bao nhiêu chữ "trung lập" vào những phát ngôn của mình.
Nếu Catalan rốt cục cũng có được độc lập như mong muốn, Barca tất nhiên sẽ có công vô cùng lớn. Thành lập từ năm 1899, Barca từ lâu đã trở thành biểu tượng lớn nhất của xứ sở và chủ nghĩa Catalonia, của tư tưởng Catalonia - theo đó, xứ sở này phải là một quốc gia độc lập hoàn toàn với Tây Ban Nha. Sir Bobby Robson từng nói: "Nếu Catalonia là một quốc gia, Barca chính là quân đội". Thực ra trước đó, Manuel Vázquez Montalban - một nhà văn người Catalonia - đã có phát ngôn tương tự. Ông nói: "Barca là quân đội không vũ trang của Catalonia".
Khi Tây Ban Nha được đặt dưới sự cai trị của chế độ độc tài, xứ Catalonia phản kháng dữ dội nhất. Dân địa phương ra đường biểu tình cùng với lá cờ hai màu xanh - đỏ của Barca. Trong thập niên 1960, Barca bị Tướng Franco đàn áp dữ dội vì ông là CĐV của Real Madrid. Ảnh hưởng to lớn của Franco đã khiến Alfredo di Stefano đang trên đường đến Barca bỗng rẽ sang Madrid. Và lịch sử hai CLB đã thay đổi mãi mãi với cú chuyển hướng định mệnh của "Mũi tên bạc".
Ở Barca, Ban lãnh đạo khi nói chuyện với nhau thường dùng tiếng Catalonia thay cho tiếng Tây Ban Nha. Khẩu hiệu của Barca - "Còn hơn một CLB" - ra đời từ lẽ đó. Hàng thế kỷ trôi qua, Barca vẫn luôn đặt họ vào thế đối đầu với Real Madrid bởi Madrid là Chính phủ, còn Real là Hoàng gia.
Trước năm 2006, Barca chỉ một lần vô địch Champions League. Nhưng suốt nửa thế kỷ đã qua Nou Camp của họ luôn là sân bóng lớn nhất châu Âu. Và trong tất cả các trận đấu của họ, hơn 99.000 chỗ ngồi đa số đều được lấp đầy. Họ đến xem Barca thi đấu, đồng thời thể hiện thái độ chính trị của mình với xứ sở.
Johan Cruyff được xem như vị Thánh ở đây, bởi vì ông đã từ chối đề nghị tuyển mộ từ Real để sang Barca. Ông đã cùng Barca vô địch các danh hiệu lớn trên cả hai vai trò cầu thủ lẫn HLV, nhưng chính tư duy của ông mới làm lịch sử Barca thay đổi. Ông chính là sự đền bù mà số phận dành cho Catalan, sau vụ mất Di Stefano của mấy chục năm trước.
Cách chơi bóng của Barca chính là cách sống của người Catalonia: gắn bó, đoàn kết, chỉn chu. Các cầu thủ Catalan lớn lên, hấp thu tinh hoa của Cruyff và đầy tinh thần phản kháng. Gerard Pique vừa tuyên bố sẵn sàng giã từ đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha nếu HLV Julen Lopetegui không tán thành quan điểm chính trị của anh. Kết thúc trận thắng Las Palmas 3-0 mới đây, Pique đã khóc. Anh gọi việc phải đá trên sân không khán giả là trải nghiệm đáng quên nhất sự nghiệp.
Barca đã cố hạn chế biểu lộ những đặc tính về chính trị ra bên ngoài. Họ cũng đang rất mạnh mẽ trong việc thu hút những nhà đầu tư, đồng thời biến Barca thành một thương hiệu toàn cầu. Barca đã có 145 triệu CĐV theo dõi trên các mạng xã hội, trở thành CLB thể thao phổ biến nhất hành tinh, hơn cả những đội ở giải bóng đá Mỹ hay bóng rổ.
Nhưng khi Catalonia quyết tâm trưng cầu dân ý cho cuộc chiến giành độc lập, Barca không thể đứng ngoài. Chủ tịch Josep Bartomeu ban đầu định hủy trận đấu với Las Palmas để thể hiện rõ quan điểm của CLB với việc chính quyền Madrid ra sức ngăn cản cuộc bỏ phiếu. Nhưng trước đe dọa trừ điểm từ La Liga, họ đã quyết định sẽ đá trên sân không có khán giả.
Đấy là một trải nghiệm lạ lùng cho tất cả. Trong số các cầu thủ Barca, có những người có lẽ chỉ mong muốn được ra sân thi đấu, không dính dáng đến những cuộc tranh luận. Chính nội bộ Ban lãnh đạo Barca cũng chia thành hai phe. Trái với một Joan Laporta luôn giương cao ngọn cờ độc lập, Sandro Rosell tỏ ra quan tâm đến việc làm ăn nhiều hơn. Và ông đã góp công lớn giúp Barca trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới.
Bây giờ, khi Catalan khuấy động lại câu chyện cũ, Barca không có cách nào khác ngoài việc phải trở thành vũ khí của xứ sở. Nhưng nội bộ Ban lãnh đạo lại đang có một cuộc chia rẽ lớn: nên hay không nên dấn sâu vào câu chuyện này. Bởi vì khi Catalonia độc lập, Barca sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. La Liga và Real Madrid cũng thế. Dung hòa được cả hai việc thể thao và chính trị là bài toán quá khó cho Bartomeu và Ban lãnh đạo. Bởi vì một thắng lợi chính trị có thể kéo theo một sự sụp đổ về thể thao.
Khi ấy, việc độc lập cho xứ Catalonia có còn ý nghĩa gì nữa?
Thủy Tiên (theo Financial Times)