Chuyến thăm lần này của Obama đến Cuba là lần đầu tiên sau 88 năm, từ thời Calvin Coolidge, một Tổng thống Mỹ đặt chân lên hòn đảo này.
Và lần gần nhất một đội bóng chày nhà nghề Mỹ thi đấu ở Cuba là năm 1999. Đó là trận đấu giữa Baltimore Orioles và đội tuyển Cuba. Ở quốc đảo này, bóng chày là môn thể thao phổ biến nhất và từng một thời hưng thịnh. Trước năm 1959, các ngôi sao bóng chày Cuba thường sang Mỹ thi đấu. Tuy nhiên, từ sau khi quan hệ giữa hai nước căng thẳng, các cầu thủ Cuba đã bị cấm ra nước ngoài. Đó cũng là thời điểm một nền bóng chày đang trên đà phát triển rực rỡ bị khai tử. Giải chuyên nghiệp được thay thế bởi một giải đấu do nhà nước điều hành.
Kể từ đó, các khán đài không còn sôi động, chất lượng bóng chày ở Cuba đi xuống. Gần một thập kỷ qua, đội tuyển của họ không giành được danh hiệu quốc tế nào. Các ngôi sao bóng chày liên tục đào tẩu sang Mỹ để được tham gia môi trường thi đấu chuyên nghiệp. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng từng lọt vào đội hình All-Star của Giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) như Jose Abreu, Erisbel Arruebarrena, Yuniesky Betancourt hay Rusney Castillo.
MLB đang nỗ lực đàm phán với hai chính phủ về một thỏa thuận có thể cho phép cầu thủ bóng chày Cuba sang Mỹ thi đấu. Có lẽ, sau nhiều năm chính quyền Cuba cũng đã nhận ra sự thiệt thòi, nạn chảy máu tài năng khi họ cố gắng phát triển một giải đấu khép kín.
Victor Mesa, huyền thoại bóng chày Cuba, người đang dẫn dắt đội tuyển nước này, nói ông mơ về một ngày các cầu thủ ở đất nước ông có thể đến Mỹ chơi bóng mà không phải từ bỏ quê hương. “Họ có thể đến đó chơi bóng. Họ sẽ được cấp phép để làm điều đó. Họ có thể mang tiền trở về Cuba. Cầu thủ bóng chày của chúng tôi được phép chơi ở đó, đó là điều chúng tôi muốn”, ông nói với AP.
Trong một thập kỷ qua, có khoảng 200 cầu thủ bóng chày Cuba thi đấu tại MLB. Tại Olympic, tính từ khi được đưa vào thi đấu chính thức tại Barcelona 1992, Cuba là quốc gia đoạt nhiều huy chương vàng nhất. Họ ba lần vô địch và hai lần về nhì. Cựu chủ tịch Fidel Castro cũng là một CĐV cuồng nhiệt của môn thể thao này.
Tuy nhiên, có thể nói bóng chày Cuba đang là “một người khổng lồ” sống trong bộ áo rách rưới. Các cầu thủ của họ thi đấu tuyệt hay nhưng nhận lương 25 đôla một tháng kèm theo được bao ăn uống. Nếu thi đấu ở Mỹ, họ đã có thể là triệu phú.
Năm ngoái, khoảng 150 cầu thủ bóng chày đã từ bỏ quê hương, đào tẩu sang nước ngoài thi đấu. Đó là con số đau đớn với nền bóng chày của quốc đảo này. Với những người còn thi đấu trong nước, họ giằng xé giữa lòng trung thành với tổ quốc và khao khát được thi đấu ở môi trường tốt nhất, nơi trả cho họ thứ mà họ xứng đáng.
Hiện, Cuba bắt đầu cho phép một vài cầu thủ bóng chày sang nước ngoài thi đấu. Họ chơi theo dạng được cho mượn bởi Liên đoàn bóng chày Cuba và lương của họ phải cắt một phần để trả cho chính phủ. Điều này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba.
Yulieski Gourriel, một trong những ngôi sao tiếng tăm nhất của bóng chày Cuba là ví dụ điển hình cho quy định này. Năm 2014, anh đến Nhật Bản thi đấu và hưởng mức lương bốn triệu đôla một năm (theo New York Post). Gourriel phải trả 10% số này cho Liên đoàn và đó là một con số rất lớn nếu so với thu nhập bình quân đầu người của người dân Cuba.
Nhiều người từng kêu gọi “hãy để thể thao sống đúng nghĩa, đừng lôi chính trị vào nó”. Tuy nhiên, một điều không thể chối bỏ, trận bóng chày được chiếu trực tiếp cho cả nước Cuba xem vào chiều 22/3 theo giờ địa phương (ngày 23/3 giờ Hà Nội) là một ví dụ điển hình cho cái gọi là “ngoại giao dựa vào thể thao”. Với nước Mỹ, đây là lần đầu tiên kể từ thời Nixon dùng Ngoại giao ping-pong (dùng bóng bàn để ngoại giao) với Trung Quốc, quân bài này mới lại xuất hiện trên ván cờ chính trị. Obama và Chủ tịch Raul Castro sẽ cùng nhau xem trận đấu này.
“Dĩ nhiên, tôi trông đợi được thấy ngài Obama. Nhưng thực sự, điều sẽ làm thay đổi cuộc sống người dân Cuba là bóng chày. Chúng tôi nghĩ, chuyến thăm của Obama sẽ giúp bóng chày đỉnh cao trở lại với hòn đảo này. Điều đó mới có nghĩa với chúng tôi”, Luis Zayas, cựu cầu thủ bóng chày của đội Havana Sugar Kings nói với Telegraph.
Sugar Kings là một đội bóng huyền thoại. Đội bóng chày duy nhất của Cuba đạt tới cấp độ AAA của MLB. Sau khi bóng chày chuyên nghiệp ở Cuba bị khai tử, hầu hết ngôi sao của Sugar Kings đều chạy sang Mỹ. Zayas là một trong vài người ở lại để chứng kiến sự đi xuống của môn thể thao đại chúng tại quê hương.
Trong khi đó Julio, một CĐV lâu năm, hy vọng bóng chày sẽ là thứ đầu tiên được hưởng lợi từ việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cuba. “Obama sẽ kết thúc điều này sớm và ai biết được người kế nhiệm ông ấy sẽ làm gì. Nhưng Tampa Bay Rays và MLB thì vẫn ở đó”, ông nói.
Di Khánh