S-fone với công nghệ CDMA vẫn đang chập chững bước tại Việt Nam. |
Chỉ đến giữa năm nay, cả hai mạng E-Mobile và Hanoi Telecom cùng sử dựng công nghệ CDMA sẽ chính thức ra mắt. Một câu hỏi đặt ra, liệu các mạng CDMA cũ và mới có thể thu hút được khách hàng? Theo phân tích của giới chuyên môn, sự thành công của CDMA thường ở những thị trường nơi có sự áp đặt của Chính phủ chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Bởi những nơi này, khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài CDMA. Một số hãng ngoài những nước trên đã phải chuyển hướng đầu tư khi mà họ không thành công với công nghệ này. Mới đây, Telstra đã phải đổi kế hoạch đầu tư từ CDMA sang GSM mặc dù họ đã đầu tư rất lớn vào công nghệ này.
*S-Fone khuấy động thị trường |
*Mạng 096 bắt đầu nhập cuộc |
*CDMA - sức mạnh tiềm tàng (2) |
Cùng với các quốc gia láng giềng là Nhật Bản, Hàn Quốc, CDMA đã có mặt tại Trung Quốc, nhưng công nghệ CDMA không thành công tại thị trường này. Mới đây, China Unicom dự kiến tăng đầu tư thêm khoảng 1,54 tỷ USD vào mạng GSM trong năm 2006 đồng thời giảm đầu tư vào mạng CDMA xuống còn 0,33 tỷ USD.
Trong năm 2005, China Unicom đã đầu tư xấp xỉ 4,95 tỷ USD trong đó chủ yếu đầu tư vào mở rộng mạng CDMA. Kế hoạch đầu tư điều chỉnh này chủ yếu là do việc kinh doanh dịch vụ CDMA không mấy hiệu quả. Cụ thể trong năm 2005, China Unicom có thêm 10,81 triệu thuê bao GSM phát triển mới trong khi đó thuê bao CDMA chỉ phát triển được 4,91 triệu. Tổng số thuê bao đạt được trong năm 2005 là 127,79 triệu trong đó, 95,07 triệu thuê bao GSM và 32,72 triệu thuê bao CDMA.
CDMA có hết lận đận?
SK Telecom có thể tự hào về sự thắng lợi của CDMA tại Hàn Quốc, song đã không mang lại sự thịnh vượng cho S-Fone tại thị trường Việt Nam. Một chuyên gia trong lĩnh vực di động cho rằng, số thuê bao thực có cước của S-Fone có thể sẽ thấp hơn rất nhiều con số mà họ công bố với 400.000 thuê bao (có thể chỉ khoảng 50% thuê bao đang có cước). Bởi thực tế thị trường thông tin di động Việt Nam đã ít nhắc đến cái tên S-fone.
Công bằng mà nói S-Fone đã rất nỗ lực trong việc quảng cáo, tiếp thị, cũng như chuyển sang các dạng máy có SIM để cung cấp ra thị trường. Thế nhưng những nỗ lực này không đem lại kết quả như mong đợi.
Tương tự như S-Fone, mạng CDMA nội tỉnh của EVN Telecom đã khai trương từ năm 2005, nhưng trên thị trường vẫn vắng bóng thuê bao của nhà khai thác này. Hiện tại, giá cước của hai nhà khai thác CDMA so với giá cước của các mạng GSM là hấp dẫn. Nhưng đó là chưa đủ để hấp dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ của các nhà khai thác CDMA.
Mặc dù được đánh giá cao hơn S-Fone và EVN Telecom, Hanoi Telecom sẽ cung cấp dịch vụ vào quý III/2006, nhưng cũng sẽ chưa thể làm được gì đột phá trong cán cân CDMA và GSM tại thị trường Việt Nam. Cho đến thời điểm này, sức mạnh về công nghệ với các dịch vụ truyền số liệu tốc đô cao chưa được các mạng CDMA thể hiện mà chỉ miệt mài trong cuộc đua cung cấp dịch vụ thoại và nhắn tin với các mạng GSM.
Ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh hãng Qualcomm (Mỹ) - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cho công nghệ CDMA - phụ trách khu vực Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia: "Tôi thấy đang có một sự lãng phí lớn. Các mạng di động lựa chọn công nghệ CDMA, công nghệ tiên tiến nhất nhưng sử dụng không hết các ứng dụng, tính năng của công nghệ. Ví dụ như công nghệ CDMA 200O - 1X, nếu chỉ dùng để thoại thì giá trị của CDMA chỉ còn một phần, điều đó không khác gì băng thông của CDMA cũng chỉ ngang hàng như GSM.
Về các hạn chế, ở mạng S-Fone, ngay từ đầu, tôi chưa thấy họ có chiến lược chiếm lĩnh thị trường thông qua các máy đầu cuối; hệ thống cửa hàng, đại lý còn yếu... Tôi cũng e ngại khả năng tận dụng các tính ưu việt của CDMA ở cả mạng E-mobile và Hanoi Telecom. Có thể họ còn giấu chiến lược kinh doanh của mình chăng, nhưng thật sự tôi chưa thấy họ đưa ra kế hoạch chiến lược nào lớn giữa kỹ thuật với kinh doanh, giữa công nghệ với nhân lực...".
Trước sự thành công của GSM, và những kết quả chưa như mong đợi của các mạng CDMA trong bối cảnh các nhà khai thác trên thế giới chuyển hướng đầu tư, nhiều người không khỏi lo ngại cho tương lai của CDMA tại Việt Nam. Để có thể phác họa tương lai của CDMA tại Việt Nam rõ hơn, vẫn phải còn chờ đợi "ẩn số" Hanoi Telecom khi họ chính thức nhập cuộc thị trường thông tin di động.
(Theo Thời báo Tài chính)