Lúc bão đổ bộ Thủ đô chiều tối ngày 7/9, căn nhà hướng Tây Bắc, tầng 29, đúng vị trí góc của anh Trần Hiếu ở chung cư bàn giao ba năm phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm hứng trọn những đợt mưa tạt, gió rít. Cửa sổ liên tục rung lắc, nước chảy qua khuôn, hèm vào nhà nên vợ chồng anh tìm cách chống thấm bằng khăn lau và vắt nước liên tục. Thấy cửa kính xuất hiện vết nứt nhỏ, anh Hiếu đã dán băng dính và chèn khăn kín vào các kẽ hở, tránh gió vào nhà làm vỡ cửa. Sau nhiều giờ loay hoay che chắn, vợ chồng anh quyết định đưa con nhỏ xuống sảnh vì lo sợ cửa vỡ sẽ bắn ra nhà gây mất an toàn.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Nhung, cư dân tại một tòa chung cư cao 30 tầng ở quận Hà Đông, tối 7/9, phát hiện vết nứt ở trần phòng ngủ lớn, khu vực cửa sổ cũng bị nước tràn vào lúc gió tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Gần một tiếng sau, tiếng rầm lớn xuất hiện ở căn phòng. Vợ chồng chị vào kiểm tra thấy toàn bộ tường thạch cao đã bị sập.
"Nhìn những mảnh thạch cao còn mắc trên khung trần khiến tôi lo sợ, nếu lúc nãy không kiểm tra kỹ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", chị nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết nguyên nhân khách quan của hiện tượng trên đến từ cường độ cơn bão. Bởi Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam. Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động hơn chục năm, có sức chịu gió bão kém.
Tuy nhiên, Chủ tịch VACC nhìn nhận nhiều tòa chung cư mới hoạt động 4-6 năm cũng "đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can" khi cơn bão đi qua cho thấy chất lượng thi công hoặc trang thiết bị, vật liệu "có vấn đề". Việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm ở một số dự án thuộc về trách nhiệm của nhà thầu. Còn chất lượng đầu vào của trang thiết bị, vật liệu thuộc về phía chủ đầu tư khi bàn giao cho cư dân.
"Ngoài tác động tiêu cực, bão Yagi cũng là phép thử cho chất lượng thi công công trình xây dựng, nhất là chung cư, ở các đô thị hiện nay", ông Hiệp nhìn nhận.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết tòa nhà nào cũng gồm có kết cấu móng nền, kết cấu chịu lực (cột, dầm, sàn, mái...) và kết cấu bao che (sơn tường, lát sàn, ốp kính, lợp mái...). Những hiện tượng như nứt, vỡ cửa kính, đổ vách kính, tường nứt, thấm dột, sập trần thạch cao... đều thuộc về chất lượng kết cấu bao che.
Ví dụ với trường hợp kính rò nước qua khung cửa hay kính mặt tiền bị nứt vỡ, ông Thịnh cho rằng do thi công lắp đặt không đảm bảo, chất lượng vật liệu kém cũng như độ vênh dơ giữa các cấu kiện lắp ghép lớn. Chuyên gia phân tích, chất lượng vách kính phụ thuộc vào thiết kế, vật liệu, lắp dựng (ở giai đoạn khi thi công) và điều kiện sử dụng, bảo trì, tuổi thọ vật liệu (giai đoạn sử dụng). Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán kỹ chất lượng kính (độ dày, số lớp, cấu tạo), nhất là khung vách hay khung cửa được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... để nhà thầu thi công thực hiện.
Tuy nhiên một số đơn vị thiết kế để nhà thầu thi công tự chọn vật liệu, "dẫn đến chất lượng không đảm bảo". Chưa kể giai đoạn thi công cũng có vai trò quan trọng bởi chỉ cần một khâu hoàn thành thiếu trách nhiệm cũng có thể khiến cửa kính dễ hư hỏng khi chịu lực lớn từ gió bão.
Ngoài ra, quy chuẩn về chỉ tiêu thí nghiệm vách kính hiện nay vẫn còn lỗ hổng khi chưa bắt buộc làm thí nghiệm hệ vách kính tỷ lệ 1:1. Ông Thịnh cho biết thí nghiệm này sẽ kiểm tra khả năng chịu va đập, mảnh vỡ với vùng có gió mạnh, độ lọt khí, lọt nước trong điều kiện áp lực tĩnh hoặc động, chịu lửa, cách âm, cách nhiệt... Thực tế, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu còn "vênh" giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thí nghiệm.
"Việc áp dụng thí nghiệm mặt dựng trước công trình rất cần thiết, đặc biệt thí nghiệm chịu va đập, mảnh vỡ với công trình ở vùng thường xảy ra giông bão, gió mạnh", ông Thịnh nói.
Nhiều cư dân chưa biết cách gia cố, bảo quản nhà cửa cũng là một nguyên nhân khiến căn nhà hư hỏng nặng hơn khi gặp bão lớn, theo KTS Huỳnh Xuân Hải, Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt. Đơn cử, khi có gió to, nhiều người không biết nên đóng kín cửa sổ hay "mở hé". Chuyên gia cho biết cách tốt nhất để bảo vệ không gian sống là đóng kín cửa nhà gồm cửa ra vào và cửa sổ. Với các cánh cửa yếu, cư dân có thể dùng ván ép đóng bít lại để ngừa sức gió luồn vào nhà làm tăng áp suất bên trong, làm đổ vỡ, hư hỏng nội thất, cửa kính, ban công...
Các chuyên gia nhìn nhận sự cố thiên tai này có thể góp phần thay đổi quan niệm "căn hộ đẹp" của nhiều người dân. Trước đây, các căn ở vị trí góc, có nhiều vách kính, tầng cao thường được ưu tiên lựa chọn nên có giá bán nhỉnh hơn các căn khác cùng tòa. Tuy nhiên, căn hộ góc ở một số dự án cũng có nhược điểm nằm ở vị trí hút gió. Chưa kể, căn hộ sử dụng quá nhiều vách kính thường không an toàn trong tình huống thiên tai như gió bão, động đất xảy ra.
"Khi chọn mua căn hộ, người mua nên cân đối hài hòa các yếu tố về thẩm mỹ, công năng, an toàn. Vì một không gian sống tốt không chỉ cần đẹp mà còn phải đảm bảo an toàn hợp lý cho người ở", KTS Huỳnh Xuân Hải cho biết.
Ngọc Diễm - Thu Hương