Nicole Silk, giám đốc toàn cầu của Freshwater Outcomes, một đơn vị thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy - TNC) có trụ sở tại Mỹ vừa có bài phân tích về lý do tại sao con người cần cùng nhau bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy giảm trên thế giới, trên website của TNC.
Bà cho biết, thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến lượng mưa lớn và lũ lụt ở một số vùng, đồng thời nắng nóng và hạn hán lan rộng ở những vùng khác, gây ra những tác động tai hại cho cả con người và thiên nhiên. Kể từ năm 1970 đến nay, gần 1/3 hệ sinh thái nước ngọt của thế giới đã mất đi; quần thể các loài sinh vật sống ở nước ngọt đã giảm khoảng 83% - một tỷ lệ cao hơn đáng kể so với quần thể trên cạn và dưới biển trong cùng thời gian.
Hệ sinh thái nước ngọt vốn cung cấp nước cho mọi sự sống. "Điều cấp thiết là chúng ta phải bảo vệ hệ sinh thái này tốt hơn ngay bây giờ", Nicole Silk nói. Nữ chuyên gia về nước sạch cho rằng, con người cần đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng để bảo vệ sông, hồ và vùng đất ngập nước. Để bù lại những mất mát và suy thoái, chúng ta phải theo đuổi các giải pháp bền vững và lâu dài, đồng thời với các phương pháp giải quyết tình trạng bất ổn xã hội, kinh tế và chính trị. Chúng ta cần nhiều năm, nhưng không phải nhiều thập kỷ, để hoàn thành việc này.
Nicole Silk cho biết, bà đã quan tâm đến nước ngọt từ những ngày còn bé. Lớn lên ở phía bắc bang California (Mỹ) vào những năm 1970, Nicole Silk đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng nước lan rộng. Gia đình bà khi đó phải cẩn thận phân chia lượng nước sử dụng và theo dõi đồng hồ nước hàng ngày.
Vị chuyên gia bị ám ảnh bởi câu chuyện về nước. "Hóa ra, chúng tôi đã uống nước có nguồn gốc là tuyết tan từ vùng Yosemite và nước mưa được lọc qua lưu vực sông Mokelumne ở chân đồi Sierra (các địa danh đều thuộc bang California)", Nicole Silk nhớ lại.
Sau đó, khi trở thành hướng dẫn viên du lịch đường sông, Nicole Silk có thêm những hiểu biết về hành trình từ nước sông đến vòi nước trong gia đình. "Nước không chảy thẳng vào nhà chúng ta, và nó không dành riêng cho con người. Nước nuôi dưỡng rễ cây, nuôi dưỡng các loài thủy sản, đồng thời thấm qua hệ thống lọc tự nhiên là vùng đất ngập nước", nữ chuyên gia chia sẻ.
Để phục vụ các mục tiêu kinh tế, con người đã chia cắt những dòng sông bằng những con đập, lấp đầy những vùng đất ngập nước và lát đá ở những nơi mà nước có thể chảy chậm lại và lắng xuống. Con người đã điều chỉnh dòng chảy của các con sông, bổ sung các hóa chất độc hại bóp nghẹt sự sống, cắt đứt mối liên hệ giữa dòng chảy bề mặt và nước ngầm. Điều này đã tác động lớn đến các loài thủy sinh và hệ sinh thái.
"Nước cũng quyết định sự đa dạng và phân bố của sinh quyển trên cạn. Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về điều này để khôi phục mối liên hệ giữa con người, nước và hành tinh', Nicole Silk nói.
Theo Nicole Silk, để bảo vệ nguồn nước, chúng ta cần theo đuổi các chiến lược và hợp tác cùng nhau, dù là nhà sinh thái nước ngọt, chuyên gia chính sách, nhà kinh tế, nhà thủy văn hay chuyên gia tài chính, dù đại diện cho chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức địa phương hay tập đoàn. Các bên cũng cần được ra quyết định và tiếp cận các nguồn nước sạch một cách công bằng. Thực tế, các nhóm dân cư bị thiệt thòi, được đặc trưng bởi các yếu tố như thu nhập, chủng tộc, thường gặp những rào cản tiếp cận nước ngọt cao hơn. Người dân địa phương luôn là những người có lịch sử quản lý nguồn nước đó tốt và là những đối tác có giá trị trên hành trình bảo tồn nguồn nước của TNC.
TNC có lịch sử bảo tồn nước ngọt từ năm 1955. Hiện tại, tổ chức này đang thực hiện 383 dự án nước ngọt ở 37 quốc gia và tại tất cả khu vực trên thế giới.
Các dự án diễn ra cả ở nơi có nhiều nước và không có nước. TNC hợp tác với nông dân và chủ trang trại để cải thiện chất lượng nước và giải quyết các vấn đề về kết nối và dòng chảy của sông, bao gồm việc dỡ bỏ rào chắn và đập; triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên để mang lại lợi ích cho cả con người và thiên nhiên.
TNC ước tính những dự án này sẽ giúp đạt được 2/3 mục tiêu vào năm 2030 mà tổ chức đang hướng tới (bảo tồn được 1 triệu km sông và 30 triệu ha hồ và vùng đất ngập nước).
Tình trạng khí hậu trái đất, các hệ thống tự nhiên và sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. "Để bảo vệ nguồn nước, cần từ các sáng kiến địa phương và khu vực đến hành động toàn cầu liên quan đến đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Cuộc đua vẫn tiếp tục. Chỉ khi cùng nhau sát cánh, chúng ta mới đạt được thành công", Nicole Silk kết luận.
Kim Ánh (Theo The Nature Conservancy)