Chủ nhật, 26/1/2020, 08:09 (GMT+7)

Bảo vật quốc gia từng suýt biến mất

Nhóm tìm kiếm cổ vật dừng lại xin nước cạnh ngôi chùa dột nát, không hay biết bên trong có tượng Quan Âm hàng trăm năm tuổi. 

Năm 1962, những sinh viên ưu tú từ khoa Sử Đại học Tổng hợp và trường Sư phạm được tuyển về Viện Mỹ thuật – Mỹ nghệ (tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) làm cán bộ nghiên cứu, sưu tầm hiện vật. Cùng lúc này, nhà nước giao ngôi nhà ở số 66 phố Nguyễn Thái Học cho Bộ Văn hoá sửa sang thành nơi lưu giữ và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Việt Nam từ thời Tiền sử đến nay.

"Chúng tôi đi tìm kiếm cổ vật khoảng nửa tháng, về viết báo cáo nửa tháng. Thế rồi tiếp tục ra đi, mỗi người một hướng bằng xe đạp", PGS. TS. Nguyễn Đỗ Bảo, nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đầu tiên của Bảo tàng, nhớ lại.  

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: VNFAM.

Mùa hè 1965, cái nắng nóng của miền Bắc cùng con đường đất gồ ghề cắt qua những đồng lúa ở tỉnh Vĩnh Phúc khiến ông Bảo, khi đó là chàng thanh niên 25 tuổi, mệt và khát. Tiếng nói chuyện râm ran vọng lại từ phía xã Hợp Thịnh lôi kéo những vòng quay bánh xe tìm đến xin nước uống. Trước mắt ông Bảo hiện ra một sân kho hợp tác xã, tấp nập cảnh xã viên đập lúa, kế bên ngôi chùa dột nát, hằn vết nước mưa chảy vào trong.

"Anh đi đâu?", một người trong hợp tác xã hỏi.

Nghe vậy, ông Bảo kể việc vô tình qua xã và thuật lại nhiệm vụ.

Người nông dân chỉ tay về ngôi chùa bên cạnh, nói tiếp. "Chùa Hội Hạ này không có sư, dột nát lâu rồi. Hợp tác xã chúng tôi đang định dỡ chùa để làm sân kho. Ở trong có bức tượng Phật to lắm, chúng tôi chưa biết làm thế nào, phần cũng không dám hoá (đốt đi). Bác vào xem ưng thì lấy, chúng tôi biếu".

Nhà nghiên cứu chưa biết rằng bản thân đang hướng tới một trong những bức tượng gỗ cổ nhất Việt Nam, đại diện cho nghệ thuật của cả một triều đại phong kiến và trở thành bảo vật quốc gia 48 năm sau.

Tượng Quan Âm chùa Hội Hạ, chất liệu gỗ phủ sơn. Ảnh: Kiều Dương.

Tất cả tượng Phật trong chùa bám đầy bụi và mạng nhện, được chiếu sáng nhờ những lỗ hổng trên mái nhà. Đáng chú ý nhất trong gian thờ là bức tượng sơn son thếp vàng Quan Âm (Nam Hải) cao hơn 3 mét. Pho tượng được tìm thấy trong tình trạng một số cánh tay và tượng Ngọc Nữ đã rơi ra, được người dân xếp tạm quanh toà sen thay vì lắp lại.

Dưới con mắt nhà nghiên cứu, ban đầu ông Bảo đánh giá đây là một tượng gỗ cổ, ít thấy vì kích thước lớn. Ông quyết định nhận bức tượng, dùng chiếc máy ảnh phim đen trắng chụp vài tấm ảnh để về báo cáo.

Tình trạng pho tượng khi vừa được phát hiện năm 1965. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc họp đánh giá của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bức tượng được tạo nên vào thời nhà Mạc (1527 – 1592) trong lịch sử Việt Nam, cách ngày nay gần 500 năm. "Dựa vào các hoa văn mây, rồng và độ lớn của tượng, chúng tôi chắc chắn tác phẩm này ra đời trong thời kỳ phục hưng Phật giáo thế kỷ 16. Đây là một giai đoạn nghệ thuật điêu khắc hưng thịnh nhất, sau những năm nhà Minh sang xâm lược, phá tượng, đập bia, đốt chùa thế kỷ 14, 15", nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, thành viên trong nhóm sưu tầm cùng PGS. TS. Nguyễn Đỗ Bảo thuật lại. Hai nhà nghiên cứu cùng khẳng định "Tượng Quan Âm Hội Hạ là cổ nhất trong hệ thống các ngôi chùa làng ở miền Bắc Việt Nam".

Sau phát hiện này, Viện trưởng Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trực tiếp xuống làm việc với chính quyền xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) để xin tượng quý về trưng bày, với mong muốn bảo vật được giữ gìn tốt hơn thay vì phơi mưa, nắng. Sau này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi lưu giữ, trưng bày bức tượng đã tài trợ tiền để địa phương xây chùa mới, đồng thời làm tặng một phiên bản tượng Quan Âm.

Khi thống nhất xong, Viện cử một số nghệ nhân giỏi về tháo dỡ tượng, vận chuyển về bảo tàng. Bức tượng có 3 phần chính, được gọi là các thớt gồm thân tượng gắn 38 cánh tay, đài sen và bệ đa giác. Phần thân còn có hai tượng nhỏ Kim Đồng và Ngọc Nữ. Mọi công việc vận chuyển, phục chế hoàn thành trong năm 1965 để chuẩn bị cho dịp mở cửa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 24/6/1966.

Những bức ảnh đen trắng cho thấy cấu tạo của các bộ phận ghép lại với nhau. Phần lớn tượng Quan Âm của Việt Nam đều tượng trưng cảnh Phật bà nhô lên từ nước (hay biển trầm luân) qua bệ đỡ của quỷ, mang ý nghĩa thiện, ác tách rời.

PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến phân tích, pho tượng được tạo hình kỳ công, tổng thể bề thế, khoẻ khoắn nhưng vẫn trang nhã trong chi tiết. Một tác phẩm lớn như tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được cho rằng phải mất hàng năm để hoàn thiện. Do không rõ tác giả thực sự, các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán công việc này do các phường thợ ở nông thôn phụ trách.

Trước đây, những nhóm thợ chuyên nghề tạc tượng đi từ chùa này tới chùa khác. Họ ăn ở tại chùa hàng tháng, hàng năm trời, bao giờ xong mới di chuyển địa điểm nên có nhiều thời gian chau chuốt tác phẩm. Đôi khi, việc làm tượng ngay tại chùa còn liên quan đến các nghi lễ yểm tâm, hô thần nhập tượng, điểm nhỡn. Giữa các nhóm thợ có sự giao lưu với nhau, trong đó thợ cả là người có nhiều kiến thức, nắm được tinh thần nghệ thuật của giai đoạn. 

Tổng thể bức tượng được tạo hình theo lối chắc khoẻ, mô tả cảnh quỷ Ô Ba Na Đà nhô lên khỏi mặt nước, đỡ bệ sen gắn với điển tích Quan Âm Nam Hải. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từng nhận xét, tạo hình phần thân tượng là những khối vuông vức, bờ vai ngang khác hẳn với các tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn về sau. Riêng lối tạo hình đã khiến bức tượng thành hiện vật độc bản ngày nay.

Khác biệt về phần vai của tượng Quan Âm chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) với tượng Quan Âm chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tỷ lệ tượng vẫn tuân theo các quy tắc chung "tọa tứ lập thất", nghĩa là tượng ngồi bằng 4 tỷ lệ đầu, đứng bằng 7 tỷ lệ đầu. 

Các công thức tạc tượng trước đây được truyền bá bằng kinh, sách, bên cạnh những kinh nghiệm bí truyền của từng nơi, nhưng biến đổi theo bối cảnh chính trị và cảm quan người thợ. Theo PGS. TS. Trang Thanh Hiền, các nghệ nhân lấy người Việt làm thước đo trong quá trình tạo tác khiến các bức tượng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Các bức tượng không cố lý tưởng hoá chân dung mà tìm đến sự gần gũi. Vì vậy chân dung tượng Quan Âm chùa Hội Hạ hay nhiều vị Phật khác được nhiều người nhận xét là "như thoáng gặp đâu đó trong đời".

Cũng theo các nghiên cứu rộng hơn, kinh nghiệm của người Việt xưa khá tương đồng với tỷ lệ phương Tây về mối liên hệ giữa chiều cao với kích thước các bộ phận trên cơ thể, trong đó có tỷ lệ do Marcus Vitruvius Pollio, người La Mã sống vào thế kỷ 1 tìm ra. Sau này, danh họa Leonardo Da Vinci đã nghiên cứu lại thành quả của Marcus Vitruvius Pollio, áp dụng cho các tác phẩm điêu khắc và hội hoạ của ông thời Phục hưng (thế kỷ 15).     

Tương quan tỷ lệ giữa tượng Quan Âm của người Việt với tác phẩm Vitruvian Man của danh họa Leonardo Da Vinci. Ảnh trái: Bản vẽ trong cuốn Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (không có đường kẻ).

Một lần nữa, tỷ lệ vàng xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật có mục đích mang lại cảm giác thanh thản, cân bằng cho người xem như tượng Quan Âm chùa Hội Hạ. Những điều này càng phản ánh trình độ điêu khắc gỗ của người Việt hàng trăm năm trước đã đạt đến đỉnh cao.

Bệ lục giác ba tầng có nhiều lớp trang trí sơn son, thể hiện những hình ảnh hoa cỏ, động vật ở cả thế giới thực và thần thoại như rồng, cá hóa long, kỳ lân, garuda, hoa sen, hoa cúc. Các hoạ tiết này giúp nhóm nghiên cứu nhận ra niên đại bức tượng khi so sánh với đặc trưng các thời kỳ.

Họa tiết chạm rồng ở mặt chính diện bệ đa giác. Ảnh: Kiều Dương.

Những đường viền, khung hình thể hiện tinh thần hướng thượng, chỉ đăng đối hai phía. Ngôn ngữ tạo hình này khiến tinh thần con người cảm thấy yên ổn, không chao đảo bởi tạp niệm.

PGS. TS. Nguyễn Đỗ Bảo cho biết thêm, cái đẹp của tượng còn ở các cánh tay đăng đối nhau từng đôi. 42 tay cần có sự tính toán chi tiết, tương quan vừa phải để không chống nhau, dẫn tới không lắp vào được. Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế Liên hoa hợp chưởng, hai tay đặt dưới lòng kết ấn Thiền định. Mỗi bên vai 19 cánh tay xoè mở hai bên, nhiều tay cầm pháp khí đều gắn liền với các ý nghĩa riêng trong Phật giáo. 

Hai bên thân tượng được khoét sâu các lỗ để tra cánh tay, sau đó gắn kết bằng sơn ta. Ảnh: Kiều Dương.

Bên cạnh đó, bức tượng còn biểu hiện tinh thần truyền thống của các hiệp thợ vùng châu thổ sông Hồng – những người yêu thích sự chắc khoẻ, vạm vỡ gắn liền đời sống nông nghiệp. Trong nghệ thuật dân gian, một tác phẩm có chỗ làm đến tinh xảo, có chỗ buông nhưng vẫn nằm trong tổng thể chung, lý giải cho những phần thô mộc trên bức tượng Quan Âm.

Các chi tiết tinh xảo cạnh bên những mảng thô mộc trên tượng. Ảnh: Kiều Dương. 

Phần thân tượng được làm kỹ, cả nguyên tắc tạo tác đến sơn son thếp vàng. Các nghệ nhân xưa coi những phần phụ chỉ nằm trong ý nghĩa chung nên không có quy định rõ ràng. Hai bức tượng phụ do người thợ tự quyết định chiều cao, mô tả điển tích Kim Đồng, Ngọc Nữ theo hầu Quan Âm. Cả hai pho tượng đều được sơn son thếp vàng. Lớp sơn trên mặt từng mịn và hồng như da người, nay nứt ra để lộ lớp sơn then và vàng thếp bên trong.

Bức tượng gần 500 năm tuổi dường như đã có một số phận riêng, được người đời tìm cách lưu giữ qua nhiều thế hệ. Sau lần tháo dỡ năm 1965, bức tượng bị tách rời thêm hai lần dưới sự kiểm soát của bảo tàng để đi sơ tán ở Tuyên Quang và Đà Lạt, tránh nguy cơ bị phá huỷ trong những năm chiến tranh 1975, 1979. 

Các giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua nhiều thời kỳ đều thừa nhận việc gìn giữ bức tượng là quyết định đúng đắn của nhóm nghiên cứu thời kỳ đầu. Trong lịch sử không hiếm việc người dân dỡ chùa, thay tượng mới. Những pho tượng cổ thường được dân gian đem đốt hoặc nhập tháp, nhưng tựu chung đều biến mất.

Nhờ những giá trị lịch sử và nghệ thuật, tượng Quan âm chùa Hội Hạ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 30/12/2013. Bức tượng được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày đầu mở cửa đến nay. Hiện vật nằm tại Phòng 5, tầng 1, nơi giới thiệu nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 11 đến 19. Nhiều du khách và cán bộ bảo tàng cùng chia sẻ, họ cảm thấy bình yên khi bước vào không gian điêu khắc Phật giáo, xung quanh là những hiện vật hàng trăm tuổi.

Đến nay, bức tượng vẫn phát huy giá trị của một di sản văn hoá, là vốn cổ cho các sinh viên ngành Văn hoá, Nghệ thuật, Kiến trúc đến tham khảo, nghiên cứu. Đồng thời, trẻ em từ các lớp vẽ được giáo viên đưa đến ngắm tác phẩm, tập chép lại các họa tiết trên tượng Phật.  

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách Văn Miếu Quốc Tử Giám vài bước chân. Trong chuyến du xuân đầu năm, bạn có thể tới xin chữ ông đồ và làm lễ tại Văn Miếu, kết hợp nhìn ngắm những hiện vật từng trải qua thăng trầm lịch sử. Các tác phẩm được trưng bày tại đây đều mangvẻ đẹp tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam các thời kỳ.

Bảo tàng mở cửa từ 8h30 đến 17h các ngày trong tuần, trừ 3 ngày Tết. Vé vào cửa 40.000 đồng một người lớn, giảm một nửa với sinh viên, học sinh và miễn phí cho người cao tuổi, trẻ em.

Kiều Dương