Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, 81 tuổi, vẫn nhớ những ngày mùa đông năm 1978 cùng đoàn vào Đà Lạt đưa tác phẩm về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Khi ấy, ông Nguyễn Văn Y - giám đốc bảo tàng - nhận được thông tin dinh Bảo Đại ở Đà Lạt có một bức bình phong cỡ lớn của Nguyễn Gia Trí, muốn đưa về Hà Nội trưng bày. Sau khi xác nhận, hội đồng khoa học liên lạc với quản lý của dinh, bắt đầu hành trình đưa tác phẩm về bảo tàng.
Đoàn chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật của bảo tàng khi ấy, ngoài bà Hải Yến, còn có ông Lê Kim - cán bộ phòng hành chính, họa sĩ Nguyễn Thiện - phòng nghiên cứu hiện đại, họa sĩ Chu Khắc Thuật, nhiếp ảnh Lê Vượng... đi Đà Lạt đổi tranh. Lần đầu nhìn thấy, bà cho biết thảng thốt vì tác phẩm hoàn hảo về kỹ thuật, nghệ thuật và chất liệu. Bức bình phong tám tấm, hai mặt, được đặt trang trọng trong một gian phòng, bảo quản tốt. Tuy nhiên, tranh có một lỗ thủng khoảng 5 cm do đạn bắn trong thời kỳ chiến tranh. Bà Hải Yến cho biết may mắn vết đạn ở mép phía trên của tấm vóc thứ hai, không vào những điểm quan trọng của hình họa nên không ảnh hưởng đến bố cục tranh.
Quá trình vận chuyển tranh gặp nhiều khó khăn. Họ phải thuê người đóng vào các hòm cẩn thận, cho xe 12 chỗ chở từ Đà Lạt về TP HCM. Sau đó, chuyển sang tàu hỏa về Hà Nội. Tổng cộng hết hơn một tuần lễ. Ông Lê Kim - cán bộ hành chính của bảo tàng - là người trực tiếp giám sát.
Khi về tới Hà Nội, các họa sĩ, nhà nghiên cứu sơn mài của phòng phục chế được giao nhiệm vụ khắc phục lỗ thủng do đạn. Việc sửa chữa tranh sơn mài tốn nhiều thời gian. Sau bốn tháng, trong lần đầu giới thiệu tác phẩm đến công chúng, vết hỏng được khắc phục đơn giản, chưa hoàn chỉnh. Sau này, tổ phục chế bằng nhiều kỹ thuật đã hoàn thiện như bây giờ. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai - nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau khi phục chế, người xem khó nhìn thấy vết đạn bắn khi thưởng tranh.
Nhà nghiên cứu Hải Yến cho biết việc đặt tên cho tác phẩm gặp nhiều vấn đề. Khi ấy, nhiều tranh thời kỳ cận đại không được đặt tên. Bà phải tìm trong các tư liệu từ thời xưa, có nhắc đến tranh của Nguyễn Gia Trí. Sau đó, dựa vào các tác phẩm họa sĩ đã có, theo từng giai đoạn và chủ đề để chọn tên. Bảo tàng sau đó quyết định đặt một mặt là Thiếu nữ trong vườn, mặt khác là Phong cảnh. "Tôi rất phản đối bây giờ nhiều nơi gọi mặt Phong cảnh là Dọc mùng. Không hiểu từ bao giờ lại có cái tên như thế", bà Yến nói.
Tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017. Tranh ra đời năm 1939 tại Hà Nội, gồm tám tấm vóc ghép lại thành bình phong hình chữ nhật có kích thước 159 cm x 400 cm.
Mặt trước tranh là Thiếu nữ trong vườn mang phong cách nhẹ nhàng, bay bổng, thể hiện bảy nhân vật nữ ở các độ tuổi. Góc phải là hai bé gái đang nô đùa. Góc trái tranh là ba thiếu nữ mặc áo dài, khoác tay nhau dạo bước dưới khóm chuối. Gần giữa tranh, một người tuổi trung niên ngồi dưới gốc phù dung, trung tâm là một phụ nữ luống tuổi đang thưởng trà. Bằng biện pháp xây dựng không gian đồng hiện và kỹ thuật tạo hình, Nguyễn Gia Trí khắc họa đời người phụ nữ: Từ tuổi thơ ngây, lúc đương thì con gái, lập gia đình đến khi về già.
Đối lập, bố cục mặt tranh Phong cảnh là những đường nét khỏe khoắn, mang tính trang trí cao. Những tàu lá chuối, khóm dọc mùng, phù dung... nổi bật trên nền sẫm với những lớp cây cỏ ẩn hiện, thể hiện theo tinh thần hiện thực.
Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa lối tạo hình hiện đại phương Tây và tinh thần thẩm mỹ Á Đông, được thể hiện bằng chất liệu sơn của Việt Nam kết hợp với vỏ trứng, vàng, bạc, son, vừa lộng lẫy sang trọng, vừa lung linh sâu thẳm.
Họa sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật sơn mài phức tạp, đòi hỏi kỹ năng tinh tế. Ông kết hợp kỹ thuật khắc, đắp nổi và nhiều lớp sơn màu sâu bên dưới bề mặt. Trên bề mặt bình phong, nhiều chi tiết được họa sĩ đắp nổi theo độ cao, thấp, dày, mỏng như lá chuối, hoa phù dung, đám mây, áo dài thiếu nữ để tạo hiệu ứng về khối. Những tàu lá chuối được vẽ gần với tư duy hiện đại, rõ mảng miếng, mạch lạc về đường nét, nổi khối trên bề mặt phẳng của tranh. Kỹ thuật gắn trứng được họa sĩ thể hiện qua làn da, chiếc quần lụa của phụ nữ, hay toàn bộ lá dọc mùng...
Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam - nhận xét danh họa chia tách những đường ghép khéo léo, tạo sự liên kết và không gây ảnh hưởng từng nhân vật. "Không gian bức tranh không bị phụ thuộc vào ánh sáng tự nhiên. Nhưng nền vàng sáng cộng với tài diễn tả nhân vật, cây cỏ, tạo cho người xem thấy một không gian ánh sáng chan hòa. Tác phẩm khẳng định kỹ thuật điêu luyện và cách diễn tả tinh tế của một bậc thầy", ông nói.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định tác phẩm thể hiện sự tìm tòi của Nguyễn Gia Trí, bổ sung cho nghệ thuật tạo hình bằng chất liệu sơn mài. Tranh góp phần đưa sơn mài từ chất mỹ nghệ truyền thống thành chất liệu mang tính hội họa cao, có khả năng thể hiện được mọi yêu cầu hội họa hiện đại. "Đây là một trong số tác phẩm xuất sắc, có tìm tòi, khám phá, sáng tạo nhất của sơn mài Nguyễn Gia Trí", ông nói.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông được xem là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông mất tại TP HCM năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Hiểu Nhân