Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ bảy, 18/1/2025, 17:26 (GMT+7)

Bảo vật quốc gia bằng vàng, gốm sứ

Ấn Hoàng đế chi bảo thời Minh Mệnh, trang sức vàng Lai Nghi, ngai hoàng đế Duy Tân, gốm sứ cung Trường Lạc... là những bảo vật quốc gia mới được công nhận.

Thủ tướng vừa công nhận 33 bảo vật quốc gia năm 2024, trong đó có ấn vàng Hoàng đế chi bảo, niên hiệu Minh Mệnh 4, năm 1823, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tỉnh Bắc Ninh.

Ấn cao 10,4 cm, dài và rộng 13,7 cm, dày 2,2 cm, nặng 10,78 kg. Ấn được đúc bằng vàng mười tuổi, gồm hai phần thân và quai ấn.

Quai ấn nằm chính giữa mặt trên thân ấn, đúc nổi hình rồng uốn khúc cuộn tròn theo chiều xoay kim đồng hồ - chiều thuận theo vũ trụ, đầu vươn cao tư thế vững vàng, mang đầy đủ đặc trưng rồng thời Nguyễn. Hai mắt rồng hình cầu nhìn thẳng về phía trước, bao phía trên mắt là viền ánh lửa. Rồng có hai sừng dài vươn về phía sau, mỗi sừng đều chia hai nhánh rõ ràng. Trán rồng khắc chữ 王 (Vương - Vua); mũi to, miệng ngắn, râu rồng dài từ cằm tới cổ.

Thân rồng mảnh, được phủ kín lớp vẩy, phần thân uốn khúc mềm mại, vây lưng dựng đứng hình ngọn lửa. Đuôi rồng dựng đứng, phía cuối có xoáy, các vây đuôi xòe 7 dải hình dẻ quạt uốn cong về phía trước. Bốn chân rồng nằm trong lòng thân cuộn tròn, chân phải đặt nhẹ trên thân phía trước, ba chân còn lại tư thế chống chân xuống mặt ấn. Các chân rồng đúc rõ năm móng, biểu tượng cho vương quyền.

Mặt ấn đúc nổi bốn chữ Hán dạng triện thư 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo) nằm trong một khung diềm kích thước 10,8 x 10,8 cm.

Ngai hoàng đế Duy Tân được làm bằng gỗ dổi, sơn son thếp vàng, niên đại đầu thế kỷ 20, đang lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Hoàng đế Duy Tân lên ngôi ngày 28 tháng 7 năm Đinh Tỵ (5/9/1907), là hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn (1802-1945) khi ông mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua.

Hoàng đế Duy Tân luôn nêu cao tinh thần dân tộc và tư tưởng chống Pháp, là vị hoàng đế đầu tiên từ bỏ ngai vàng, trở thành lãnh tụ tinh thần của cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ do Thái Phiên và Trần Cao Vân đứng đầu, chọn con đường đấu tranh bằng bạo lực. Ông tích cực tham gia cuộc nổi dậy chống lại Pháp.

Bộ kim phẩm đền Nghè, niên đại đầu thế kỷ 20, đang lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng. Bộ kim phẩm được chế tác thủ công, tinh xảo. Người chế tác là thợ kim hoàn lành nghề, có kỹ thuật cao, nguyên liệu được chọn lọc tỉ mỉ. Trong quá trình chế tác bộ kim phẩm, thợ đã sử dụng nhiều kỹ thuật cao, đòi hỏi có kinh nghiệm lâu năm. Vàng trong bộ kim phẩm được sử dụng là loại vàng ta 24K (vàng có hàm lượng trên 90%), tương đối mềm, dễ kéo dài, dát mỏng, ít pha tạp kim loại màu khác.

Hiện vật gồm một lá trầu, một chùm cau, bốn thẻ bài, một lá vàng, một quạt, ba đôi bông tay, hai hộp sáp môi, một đôi vòng, một bộ cúc, một chuỗi hạt.

Lá trầu vàng (trái) trong bộ kim phẩm đền Nghè. Lá trầu được chế tác từ vàng ta 24K gồm hai phần lá hình elip và phần cuống hình trụ rỗng. Mặt lá có 5 đường gân lớn, mỗi đường lại có những vạch gân nhỏ, đồng tâm, đối xứng kéo dài từ cuống đến đỉnh lá. Phần đầu lá có vết uốn gấp nếp.

Chùm cau vàng được chế tác từ vàng ta 24K, dạng khối, chùm có ba quả, ba tua gắn liền với phần cuống. Mặt trái cau để trơn, không chạm khắc hoa văn; thân hai quả cau có vết bị lõm nhẹ.

Bông tai vàng thuộc bộ kim phẩm đền Nghè, đều được làm từ vàng ta 24K.

Bộ sưu tập trang sức vàng Lai Nghi, niên đại thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ 1 Công nguyên, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam (trong ảnh là mặt đứng, trái, phải).

Sưu tập gồm 108 hiện vật được phát hiện trong một địa tầng văn hóa nguyên vẹn tại di tích Lai Nghi.

Đầu phượng thời Lý, niên đại thế kỷ 11-12, đang lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long là khối tượng tròn, được làm bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình, theo Cục Di sản văn hóa. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay.

Bình ngự dụng thời Lê sơ, thế kỷ 15, đang lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Bình thân hình trụ đáy thót, mở rộng dần lên vai, vai uốn cong, rộng; cổ và miệng liền nhau và thẳng với vai, mép miệng thẳng, vê tròn, cao tổng thể 30,5 cm; đường kính đáy 15,5 cm.

Vòi gắn ở vị trí ngang vai, tạo dáng hình đầu rồng. Tay cầm tạo dáng giống như một đoạn thân rồng, nằm ở đối diện với vòi, đầu trên ở vị trí ngang vai, uốn cong hình bán nguyệt, kéo dài xuống dưới.

Sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc, thời Lê sơ thế kỷ 15-16, đang lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Sưu tập gồm chén, bát, đĩa tổng 36 hiện vật, chia làm hai nhóm trang trí hoa văn và không trang trí.

Chõ gốm văn hóa Đông Sơn, niên đại 2.500-2.000 năm cách ngày ngay, nằm trong bộ sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo, TP HCM.

Bảo vật này được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật, sạn nhỏ, pha bột thổ hoàng. Xương gốm màu xám đỏ, tương đối cứng chắc, áo gốm màu đỏ.

Theo Cục Di sản văn hóa, chõ gốm được nung ở nhiệt độ cao, 800-1.000 độ C.

Viết Tuân
Ảnh: Cục Di sản văn hóa