Thứ hai, 27/1/2025
Chủ nhật, 26/1/2025, 09:11 (GMT+7)

Bảo vật quốc gia bằng đá, gỗ

Tượng rồng Tháp Mẫm, phù điêu Shiva múa Phong Lệ, bia chùa Linh Xứng, đôi rồng đá đình Trích Sài... là những bảo vật quốc gia bằng đá mới được công nhận.

Phù điêu Shiva múa Phong Lệ (Nataraja) làm bằng đá cát, nặng 800 kg, niên đại thế kỷ 10, đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Trong tác phẩm điêu khắc phù điêu Shiva múa Phong Lệ, hình tượng thần Shiva được tạc trong tư thế múa, phía dưới có sáu nhân vật đang chiêm bái cùng bốn nhạc công chơi các loại đàn.

Thần Shiva có 16 cánh tay, hai cánh tay chính thể hiện phía trước, với tay phải chống vào hông, tay trái gập lại để dang bàn tay vào trước nách. Từ vai thần tỏa ra mười bốn cánh tay phụ, mỗi bên bảy cánh tay đều tạo thế giống nhau dạng thon tròn, ngón tay dài mảnh, mọi cổ tay có đeo vòng, cánh tay phải chính đeo vòng rắn, các bàn tay phụ và tay chính bên trái có ngón trỏ gập xuống vào giữa lòng bàn tay, các ngón còn lại duỗi thẳng ra, tạo thế arala mudra. Các cánh tay cũng xếp liên tục nhau, xòe cân xứng tạo thành một vòng quay tròn chung quanh thần.

Đầu Shiva có búi tóc cao, được thắt bằng hai vòng thắt, hai bên có những lọn tóc thả xuống. Trang phục, quanh bụng quấn sampot dài đến đầu gối, có các đường gấp dồn về phía trái, vạt trước hình bán nguyệt thòng xuống có trang trí năm vật hình hoa lá.

Ở giữa, hai bên thần Shiva có sáu nhân vật chiêm bái hai tay chắp lại giữa ngực, đầu đội mũ ba tầng trang trí hình lá, tai đeo trang sức, nửa thân phía trên để trần, phần dưới có vảy.

Bia chùa Linh Xứng, đời vua Lý Nhân Tông, năm 1126, đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bia được tạo tác từ phiến đá nguyên khối màu xanh xám, có kích thước trung bình, dạng hình hộp dẹt, trán hình bán nguyệt, chữ khắc trên hai mặt, đặt trên lưng rùa. Mặt bia, lòng bia và trán bia đều trên một mặt phẳng. Ngăn giữa trán bia, lòng bia và diềm bia là hai đường chỉ chìm. Hai bên rìa cạnh bia tạo hai mấu chốt.

Tiêu đề bia khắc ở trán bia theo chiều ngang với 7 chữ Hán kiểu Triện thư: 仰山靈稱寺碑銘 (Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh, tức văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn).

Mộc bài Đa Bối được làm bằng đoạn nguyên cây gỗ cao 259 cm, đường kính chỗ lớn nhất 19,5 cm. Phía trên có kích thước lớn hơn, tạo tác nhô ra phía trước thành vòm che cho phần chữ phía dưới. Thân khắc 4 hàng chữ chìm, mỗi hàng trên dưới 30 chữ, hiện đọc được 104 chữ.

Mộc bài Đa Bối được dựng vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1269), nội dung khắc ghi số ruộng thuộc cánh đồng Đa Bối mà triều đình nhà Trần đã cấp cho ba viên quan ở vùng xa là Nguyễn Nghiên, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt để lấy lương ăn.

Trong số 33 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng công nhận năm 2024, có tượng rồng Tháp Mẫm (rồng - Makara), thế kỷ 12-13. Tượng làm bằng sa thạch (đá cát), cao 158 cm, rộng 61 cm, nặng 1,5 tấn, đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Theo hồ sơ di sản, ở giữa dọc theo sống lưng của rồng là đường kỳ bằng lớp vảy cứng xếp nối nhiều tầng được cách điệu tựa hình ngọn lửa có phần cuối đầu mút tròn xoắn ốc. Hai chân sau dựng ngược lên, lòng hai bàn chân để ngửa, cổ chân đeo vòng hạt chuỗi tròn. Khắp mình rồng được trang trí một lớp vảy kín. Tượng rồng được tạc nằm trên đế dài hai tầng, phía sau đuôi có lỗ mộng tròn và dưới đế phía sau cũng có chốt lớn.

Phù điêu Kal Núi Bà, làm bằng đá Túp Riôlit Đaxit, nặng hơn 100 kg, niên đại thế kỷ 14. Bảo vật được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà, thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, được đưa về Bảo tàng tỉnh Phú Yên năm 1993.

Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thuộc nền văn hóa Champa. Phù điêu Kala Núi Bà được tạo tác trên khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt phía trước thể hiện khuôn mặt Kala nhìn thẳng về phía trước. Kala có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài thò ra ngoài, trong đó gồm có 2 răng nanh và 6 răng cửa; 2 răng nanh ở hai bên dài hơn và nhọn. Môi trên cong. Râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng.

Hai bên miệng mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên. Mũi Kala to tròn nhưng đã bị vỡ, sống mũi ngắn và gãy. Hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc. Trán dô, trên trán có chuỗi hạt hình tròn. Bờm dày tạo thành 4 lớp.

Mặt phía sau Kal Núi Bà để trống, có dấu tích nhiều vết đục nhằm tạo phẳng bề mặt một cách tương đối.

Bảo vật còn nguyên vẹn, không bị phong hóa qua thời gian, các mảng khối và chi tiết đường nét chạm khắc, độ nông sâu còn rõ ràng sắc nét. Chỉ phần mũi Kala bị sứt mẻ, đã có từ lúc hiện vật được phát hiện ở hố khai quật.

Đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội, niên đại thế kỷ 15, hiện đặt tại bậc tam cấp lối lên ở giữa sân đình.

Mỗi tượng rồng được đặt ở tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. Đầu rồng ngẩng cao, trán dô, tạo thành u, má hóp, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, sừng dài có chạc giống sừng hươu, chạm tới khúc thân thứ nhất; miệng rộng, ngậm ngọc, lưỡi ngắn, nanh nhọn, viền xung quanh hàm trang trí họa tiết văn xoắn, râu mép uốn lượn trải dài từ mắt tới thân, lượn sóng bay về phía sau.

Thân tượng rồng uốn lượn theo 5 khúc hình sin, mập, khỏe, không có vảy, chỉ trang trí các đường chỉ nổi. Lưng rồng tạo một hàng vây nhọn tương ứng với khúc uốn thành một dải từ đầu đến đuôi.

Dưới bụng rồng, đệm dưới khúc uốn lượn của thân rồng là những mảng trang trí văn mây xoắn ốc. Cả đôi tượng rồng thành bậc đều có 4 chân, to, khỏe, có ngón nhiều đốt và 4 móng sắc nhọn. Chân trước tượng rồng bên phải vươn lên nắm râu, 3 chân còn lại được thể hiện ở tư thế gấp khuỷu, đạp mạnh vào mây đẩy toàn thân hướng về phía trước. Các dải mây xen giữa khúc uốn lớn của thân tạo thành các ngọn sóng/mây bạc đầu nổi cao.

Phù điêu Uma Chánh Lộ, nặng 1,2 tấn, đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Trong tác phẩm điêu khắc Phù điêu Uma Chánh Lộ, hình tượng nữ thần Uma được thể hiện trong tư thế múa. Nữ thần có bốn tay, tay phải chính cầm búp sen có cuống dài uốn lượn đưa lên ngang tai, tay trái chính ở tư thế thủ ấn Shunya mudra với ngón tay giữa gập xuống lòng bàn tay đang mở, trong khi tất cả ngón tay kia để đứng thẳng. Phía trên cánh tay này đeo vòng chạm điểm một bông hoa năm cánh. Tay phải phụ cầm một chày kim cương, thiền trượng Vajra, tay trái phụ cầm chiếc bình rộng miệng có vòi. Bốn cổ tay đều có đeo vòng kép trơn.

Phù điêu Uma Chánh Lộ là hiện vật duy nhất thể hiện hình tượng nữ thần Uma được khai quật khảo cổ tại di tích Champa ở Chánh Lộ, Quảng Ngãi năm 1904 và đưa về Bảo tàng Chăm năm 1938.

Khánh đá chùa Điều (Bảo khánh Điều tự), tại thôn Đông Tự, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, làm bằng đá xanh, nặng hơn 500 kg.

Chùa được xây dựng từ thời Trần. Minh văn trên khánh đá cho biết xa xưa chùa Điều từng là ngôi cổ tự nguy nga, nổi tiếng một vùng với nhiều hạng mục kiến trúc quy mô, được trang trí, chạm khắc công phu.

Khánh đá chùa Điều được tạo tác vừa có chức năng là pháp nhạc của Phật (nhạc khí) vừa mang chức năng của bia đá, được chặm khắc trên 2 mặt. Khánh đá còn tương đối nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt nhỏ dài 21 cm trên đỉnh khánh ở mặt trước. Mặt sau cũng trên đỉnh khánh có vết vỡ dài 17 cm, rộng nhất là 7 cm, nhỏ nhất là 3 cm.

Phù điêu thời Minh Mạng 1829 đang lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Bảo vật được tạo hình từ phiến đá cẩm thạch đường kính 46,5 cm, màu đỏ chu, hình tròn. Bên ngoài là khung tròn bằng gỗ đường kính 52 cm, dày 3 cm, được tạo thành từ 6 mảnh gỗ hình vòng cung có kích thước tương đương, gắn kết với nhau tạo thành đường tròn liền mạch bao quanh phiến đá.

Mặt trước phù điêu là bức tranh phong cảnh với đầy đủ các chi tiết của trời - đất - non - nước - cây cối - lầu các - thuyền bè - nhân vật... theo chủ đề "sơn thủy tùng đình" (núi, nước, cây tùng, mái đình) với thủ pháp: thấu thị phi điểu (tranh với bố cục theo lối nhìn không gian như ngồi trên lưng chim đang bay nhìn xuống).

Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị 1842, đang lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Rồng được đúc bằng đồng, tách biệt (hai hiện vật tách rời nhau), hiện đặt ở phía trước nhà hát Duyệt Thị Đường, hoàng thành Huế với cách thức chầu mặt vào nhau.

Hai bảo vật đều được chế tác theo thể khối, mỗi hiện vật gồm hai bộ phận đúc liền nhau gồm rồng và đế.

Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, gồm ba tượng là Đệ Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, tượng Đệ Nhị tổ Pháp Loa, tượng Đệ Tam tổ Huyền Quang.

Tượng làm bằng gỗ, niên đại thế kỷ 19, còn nguyên vẹn, được sơn son màu nâu đỏ thẫm và màu vàng.

Tượng Đệ Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc liền khối theo kiểu đức Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi tọa thiền trên bệ gỗ vuông trong thế buông thư, thân khoác y cửu điều. Tượng có thân hình, khuôn mặt cân đối, hài hòa, sống mũi thẳng, mắt hơi nhắm, miệng mỉm cười, tai to và dài, đầu cạo tóc. Thân tượng khoác các lớp áo bó sát thân, hai lớp áo lót trong sơn màu vàng, lớp thứ ba sơn màu đỏ thẫm, lớp ngoài khoác y cửu điều màu vàng. Tay trái tượng để úp lòng bàn tay lên lòng đùi trái, các ngón tay duỗi thẳng, không bắt ấn... hai chân khoanh lại, tay phải lần chàng hạt.

Tượng Đệ Nhị tổ Pháp Loa được tạc liền khối, gồm tượng và bệ. Tượng mang dáng người thon cao, đầu cạo tóc, khuôn mặt cân đối, mũi cao, tai dài, thần thái rất từ bi, phúc hậu. Tượng ngồi trong tư thế thiền, 2 chân xếp bằng, 2 tay kết ấn để trong lòng đùi. Thân tượng khoác áo nhà Phật với những đường nét mềm mại, che kín toàn bộ thân mình. Áo có hai lớp lót, cổ áo hình chữ V để trễ hở phần áo lót và phần ngực lộ rõ lớp xương ngực. Lớp áo lót được sơn màu vàng, bờ vai trái áo có gắn khuy. Tượng được ngồi trên bệ gỗ hình chữ nhật.

Tượng Đệ Tam tổ Huyền Quang được tạc liền khối, gồm tượng và bệ. Khác với tư thế ngồi thiền của tượng Đệ Nhị tổ Pháp Loa, tượng Đệ Tam tổ Huyền Quang được tạc trong tư thế ngồi ngay ngắn trên bệ, ở tư thế thiền định, đầu cạo tóc, mặt vuông, mũi cao, tai to. Hai chân xếp bằng, tay trái để úp lòng bàn tay trên đùi trái, tay phải cầm cuốn sách. Thân tượng khoác áo nhà Phật, bên trong là lớp áo lót có buông trùng cổ áo như lớp áo ngoài, cổ hình chữ V, bờ vai áo bên trái có gắn khuy. Các tà áo xếp nếp chảy mềm mại, uyển chuyển. Tượng được ngồi trên bệ gỗ hình chữ nhật.

Viết Tuân
Ảnh: Cục Di sản văn hóa