Thứ hai, 20/1/2025
Chủ nhật, 30/4/2023, 04:00 (GMT+7)

Bảo vật cột kinh Phật hơn nghìn năm tuổi

Ninh BìnhĐược xây dựng từ thế kỷ thứ 10 ở cố đô Hoa Lư, cột kinh Phật trong khuôn viên ngôi chùa cổ Nhất Trụ làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng 4,5 tấn.

Trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, có ngôi chùa cổ Nhất Trụ nổi tiếng. Theo tài liệu lưu giữ tại chùa, vua Lê Đại Hành - Lê Hoàn (941-1005) với lòng thành kính đạo Phật đã cho xây dựng công trình này để cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh.

Trung tâm Bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư cho biết chùa mang tên Nhất Trụ (hay chùa Một Cột) vì phía trước có một cột kinh Phật bằng đá độc đáo.

Theo các cụ cao niên trong làng Yên Thành, xưa kia cột kinh được đặt ngoài trời. Để tránh thời tiết bào mòn họa tiết, hoa văn, đặc biệt là chữ Hán trên thạch trụ, một tòa lầu che chắn cột đá đã được xây dựng kiên cố với 16 cột gỗ lim. Lầu có kiến trúc kiểu mái cong truyền thống như các ngôi đình, chùa cổ khác ở Việt Nam.

Cột kinh hình bát giác, nặng 4,5 tấn, cao 4,16 m tính từ chân đế đến đỉnh. Cột gồm 6 bộ phận đều được làm bằng đá vôi có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm. Các bộ phận được lắp ghép với nhau bằng ngõng (khớp nối thủ công) chứ không dùng bất cứ chất kết dính nào. Kỹ thuật này thể hiện trình độ tính toán khoa học, chính xác và tỉ mỉ của các nghệ nhân thuở xưa.

Thân cột hình bát giác trên to dưới nhỏ bằng đá xanh nguyên khối, cao gần 2,4 m. Hai đầu thân cột đều có ngõng để cắm vào đế và thớt bát giác. Đây là bộ phận chính của cột kinh. 8 mặt đều được mài nhẵn, chạm khắc 2.500 chữ Hán.

Trên thân cột đá khắc nhiều kinh Phật bằng chữ Hán. Trải qua hơn nghìn năm, chữ mờ đi nhiều, chỉ còn đọc được khoảng 1.200 chữ ở nửa trên thân cột.

Nội dung chủ yếu là kinh Thủ Lăng Nghiêm ca ngợi sự bền vững của đức hạnh Phật. Trên cột đá còn thấy các chữ Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế tả tạo (tức Hoàng đế Thăng Bình - vua Lê Hoàn).

Sự xuất hiện của các chữ Hán trên thân cột còn cho thấy nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp trên đá ở nước Việt có từ cách đây cả nghìn năm.

Ngoài phần thân 8 cạnh, cột kinh còn có thớt bát giác, tiếp đến là đấu tám cạnh và chóp. Chóp hình hồ lô, cổ dài, miệng tù, cao khoảng 80 cm. Theo ban quản lý di tích, chóp nguyên bản của cột kinh đã thất lạc và hiện được thay thế bằng chóp mới khi trùng tu.

Do mang nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tháng 12/2015, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã được công nhận bảo vật quốc gia.

Phần đế cột kinh hình vuông, làm bằng đá xanh nguyên khối, mỗi cạnh dài 1,4 m, dày 0,3 m. Trên đó chạm khắc một vòng 22 cánh sen đơn bao quanh đế cột, đường kính vòng sen 1,07 m.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa, cánh sen trên đế vuông của cột kinh Phật xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong nghệ thuật chạm khắc đá. Nhà Phật quan niệm hoa sen tượng trưng cho cõi niết bàn và trí tuệ của con người.

Tiếp giáp với phần đế vuông là chân cột có hình tròn cao hơn 30 cm, cấu tạo theo kiểu trên to dưới nhỏ, đường kính chỗ lớn nhất rộng 76 cm. Bên dưới chân đế có ngõng tròn để khớp vào lỗ mộng của tảng đá.

Trải qua thời gian dài, thời tiết khắc nghiệt và bom đạn chiến tranh, nhiều vị trí trên cột kinh có dấu hiệu xuống cấp, một vài chỗ nứt, sứt sẹo nhưng cột không hề bị nghiêng, lún.

Chùa Nhất Trụ nhìn từ phía trong ra hướng cổng chính. Ngoài cột Kinh Phật cổ, khuôn viên chùa cổ còn được bài trí nhiều hạng mục, nhiều cổ thụ tỏa bóng mát.

Một nhóm du khách nước ngoài thích thú tạo dáng, chụp ảnh tại chùa Nhất Trụ ngày cuối tháng 4. "Tôi rất ấn tượng trước giá trị độc đáo của cột kinh Phật cũng như vẻ đẹp bình dị của ngôi chùa", anh Alan Smith, du khách người Anh, chia sẻ khi cùng nhóm bạn tham quan chùa.

Mỗi ngày, chùa Nhất Trụ đón hàng nghìn lượt người dân và du khách trong, ngoài nước tới dâng lễ, tham quan.

Phía ngoài cổng và khuôn viên chùa Nhất Trụ luôn được quét dọn sạch sẽ với một khoảng sân rộng rãi.

Cột Kinh Phật ở chùa Nhất Trụ (Video kèm bài ảnh)
 
 
Cảnh trí ở chùa Nhất Trụ. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng