Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 13h ngày 23/11, tâm bão Usagi cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 300 km, cách Vũng Tàu khoảng 470 km. Bão cũng mạnh lên cấp 10 với sức gió tối đa 100 km/h, bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm.
Di chuyển theo hướng tây mỗi giờ khoảng 10-15 km, đến 13h ngày 24/11, tâm bão gần đảo Phú Quý, cách Vũng Tàu khoảng 210 km. Khoảng đêm 24 và ngày 25/11, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ cấp 8 (75 km/h), sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên cao, đỉnh triều sẽ vượt báo động 3 vào ngày 24-25/11. Do ảnh hưởng của mưa bão kết hợp triều cường, Nam Bộ trong đó có TP HCM, có thể bị ngập nghiêm trọng tại các khu vực thấp.
Người dân chằng chống nhà, cẩu thuyền lên bờ, học sinh được nghỉ
Chiều 23/11, đảo Phú Quý (Bình Thuận) trời âm u, gió mạnh dần. Là nơi được dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp, mọi người đều thấp thỏm. Ngoài đường, các cây xanh cao lớn hai bên đã được cắt tỉa, dọn cành. Xe loa liên tục chạy quanh cập nhật đường đi của bão cho người dân biết.
Ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho hay, các cơ quan chuyên trách của huyện cùng bộ đội đã đến các vùng xung yếu, giúp dân chằng chống nhà cửa, lồng bè nuôi thủy sản và neo đậu tàu thuyền. "Trưa nay, các lực lượng đã vào bờ để đảm bảo an toàn. Đến cuối giờ chiều, 200 hộ dân ở các vùng xung yếu ven biển, nhà cửa tạm bợ phải sơ tán đến công sở, trường học để an toàn khi bão đổ bộ", ông Linh nói.
Trong đất liền, trời nắng nhẹ, tại cảng La Gi, nhiều tàu thuyền hối hả về bờ. Nhiều tàu chưa vào bờ đang được Bộ đội Biên phòng kêu gọi. Thị xã La Gi cũng đang lên phương án di dời 5.000 người dân các vùng xung yếu đến nơi an toàn khi bão đổ bộ.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó chủ tịch UBND Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có phương án ứng phó bão gửi về các địa phương, đồng thời chỉ đạo ngành giáo dục cho toàn bộ học sinh nghỉ học vào ngày mai.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cũng phát loa liên tục cập nhật diễn biến bão, và cử lực lượng đến các khu dân cư ven biển vận động người dân dùng bao cát chằng mái, kêu gọi hàng trăm ngư dân đánh bắt bằng thuyền thúng gấp rút vào bờ.
Ông Võ Thanh Phượng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải cho biết, chính quyền đã thuê xe cẩu giúp người dân đưa hơn 300 thuyền lên bờ kè tránh việc bị sóng cuốn trôi, khi bão qua sẽ đưa xuống bãi biển trở lại. "Chúng tôi đã lên phương án di dời hơn 3.000 dân đến năm trường học. Lương thực, nước uống và y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng", ông Phượng cho biết thêm.
Tại cuộc họp khẩn ứng phó bão chiều nay, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung di dời dân sống ở những nơi xung yếu, ven biển và triền núi. Tỉnh này có thể phải sơ tán gần 160.000 người.
"Bão đổ bộ vào sẽ không tránh được việc tổn thất về tài sản nhưng không để thiệt hại về con người", ông Trình nói và nhắc lại cơn bão năm 2006 có tốc độ vào bờ tương tự cơn bão này đã gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Cùng với việc cho học sinh nghỉ học, việc họp chợ cũng phải kết thúc trước trưa 24/11. Các nhà hàng nổi cũng không được kinh doanh.
Ninh Thuận, UBND tỉnh yêu cầu ngừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung ứng phó bão. Sở Giáo dục chỉ đạo các trường theo dõi tình hình thời tiết, chủ động cho học sinh nghỉ học và thông báo phụ huynh.
Khánh Hòa, trời âm u và có mưa. Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão Damrey (bão số 12) năm ngoái và lũ quét sau bão số 8 vừa qua, người dân nhiều nơi đổ xô ra biển xúc cát, dồn vào bao tải để chẳng chống nhà cửa.
UBND tỉnh đã kiểm tra các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao và yêu cầu người dân sơ tán đến nơi cao ráo, đồng thời vừa phát loa, vừa nhắn tin qua tất cả nhà mạng cập nhật diễn biến bão cho người dân. Sở Giáo dục cũng đã yêu cầu các trường cho hơn 270.000 học sinh nghỉ học từ chiều nay.
Phú Yên, do ảnh hưởng của bão, TP Tuy Hòa có gió giật từng cơn kèm theo mưa. Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh cho biết, đã yêu cầu đưa hơn 20.000 lồng bè nuôi thủy sản của người dân vào bờ hoặc chằng chống, hạ độ sâu dưới mặt nước để tránh thiệt hại.
Quảng Ngãi, ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban Quản lý cảng Sa Kỳ cho biết, sáng qua đã bố trí ba chuyến tàu để đưa 300 người dân từ đất liền ra đảo Lý Sơn và hai chuyến để đưa 200 hành khách từ đảo về đất liền. "Tuyến đường biển ngưng hoạt động từ chiều qua và dự kiến ngưng đến cuối tuần này", ông Hải nói.
Cây xanh ở Trường Sa gãy đổ, nhà giàn DK1 có sóng cấp 5
Ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), lãnh đạo huyện cho biết bão không thiệt hại nhiều, chỉ làm một số cây xanh ở trên đảo Song Tử Tây gãy đổ. Sáng nay, trời tạnh mưa, các chiến sĩ đang dọn dẹp, khắc phục. Hải quân cùng các đơn vị khác ở trên các đảo vẫn túc trực để sẵn sàng ứng phó.
Ở ngoài khơi vùng biển phía Nam, cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu 250 - 300 hải lý, nhà giàn của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân có gió lớn, sóng cấp 4, cấp 5. Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cho biết đơn vị đã sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 9.
Trong khi đó, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trên các mỏ, giàn khoan.
Ban Thời sự