Trận bão tuyết lớn kèm gió giật hôm qua đổ bộ vào khu vực đông bắc Mỹ, ảnh hưởng tới hơn 60 triệu người và khiến thành phố New York tê liệt ở quy mô chưa từng thấy kể từ năm 2012.
Theo dự đoán của chuyên gia khí tượng, bão Juno sẽ phủ lớp tuyết dày 0,6 - 0,9 m, trải dài 400 km dọc bờ biển phía đông nước Mỹ. Hàng nghìn chuyến bay bị hủy và tình trạng khẩn cấp được thông báo tại New York. Ngoài lượng tuyết rơi, các chuyên gia còn đưa ra cảnh báo những điều kiện bão tuyết khác, như sức gió lên tới 120 km/h.
Bão tuyết đông bắc
Bão mùa đông Juno (Winter Storm Juno) là tên gọi của loại bão gió đông bắc (nor'easter) xuất hiện ở bờ biển phía đông của Mỹ và Canada. Nor’easter là cơn bão ở tầm vĩ mô, thường xuất hiện từ khoảng tháng 9 năm này đến tháng 4 năm sau. Bão nor’easter hình thành khi hệ thống áp suất thấp di chuyển từ tây sang đông, sau đó sinh ra một cơn bão mới ngoài bờ biển phía đông.
"Tâm bão ở ngoài biển nhưng bão di chuyển theo hướng đông nam về khu vực phía nam vùng New England. Khi ra khỏi bờ biển, bão có thể tác động đến độ ẩm và sinh ra lượng giáng thủy lớn. cơn gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ xung quanh vùng tâm bão, do dó nó sẽ đổ ập vào bờ biển từ phía đông bắc", Keith Seitter, giám đốc điều hành Hiệp hội Khí tượng Mỹ, nói.
Giáng thủy là tên gọi chung cho hiện tượng nước thoát ra khỏi những đám mây dưới dạng lỏng như mưa, và dạng rắn như tuyết hay mưa đá; nhằm phân biệt với hiện tượng nước tách ra từ không khí như sương, sương móc, sương băng. Trong cơn bão tại Mỹ, giáng thủy ở dạng tuyết.
Các vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NASA) đã ghi lại các hình ảnh từ thời điểm bão hình thành, cho thấy đường đi của nó chạy dọc theo bờ biển phía đông.
Tác động của biến đổi khí hậu
Cơn bão được mệnh danh là "Snowmageddon" (chỉ lượng tuyết rơi dày) hay "bão tuyết của năm 2015". Giới khoa học cho rằng những hiện tượng này sẽ xuất hiện phổ biến và thường xuyên hơn trong tương lai, khi biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
"Chúng ta không thể phóng đại mọi cơn bão và nói rằng nó do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay là điển hình của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, như chúng ta có thể dự đoán", Don Wuebbles, một nhà khoa học khí hậu của Đại học bang Illinois, nói..
Ấm lên toàn cầu được dự báo làm gia tăng tần suất xuất hiện của cơn bão với mức độ tương tự Juno vì không khí ấm hơn sẽ tạo độ ẩm trong các đám mây, gây mưa và tuyết với cường độ cao.
Nor'easter xuất hiện hàng năm và sẽ tàn phá trên diện rộng nếu đủ mạnh. Kevin Trenberth, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR), nhận định những cơn bão dữ dội như Juno giờ đây có thể không còn bị coi là trường hợp ngoại lệ.
Theo Trenberth, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với các cơn bão nor'easter thậm chí còn tồi tệ hơn. Sự gia tăng độ ẩm trong cơn bão sẽ tác động ngược và tăng cường sức mạnh của chính nó.
Giới chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp của bão Juno. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể khiến tác động của nó trầm trọng hơn.
Anh Hoàng (Theo IB Times)