"Trọng tài đã trao một quả phạt đền cho Qatar ở bán kết U23 châu Á, nhưng Việt Nam vẫn cuốn phăng đối thủ", phóng viên Kỷ Ngọc Dương viết trên Sina. "Ở bóng đá châu Á, tiền không thể mang lại thành công như Việt Nam, những người đã rất chú trọng vào đào tạo trẻ trong ít năm gần đây. Liên đoàn bóng đá Việt Nam bắt đầu hưởng trái ngọt sau bảy năm xây dựng và hoàn thiện trung tâm đào tạo trẻ".
Trên hành trình vào chung kết U23 châu Á, Việt Nam đã đánh bại Australia và Qatar, những "ông kẹ" của bóng đá khu vực, với nền kinh tế phát triển. Họ cũng đi trước Việt Nam một bước về hệ thống đào tạo trẻ.
Phóng viên Sina ấn tượng với điểm đặc biệt này. Kỷ Ngọc Dương viết tiếp: "Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã làm gì trong những năm qua? Những đồng tiền được chi nhỏ giọt đến từng xu, và câu trả lời cho cách làm ấy đã thể hiện rõ ở giải này. Hãy suy nghĩ cẩn thận, nếu không muốn bị tụt lại".
Đồng tình với quan điểm này, phóng viên Thẩm Vĩ phân tích: "Sự phát triển của bóng đá trẻ và đẳng cấp của giải vô địch quốc gia gần như không liên quan đến nhau. Trung Quốc đã làm nhiều cách để thức tỉnh nền bóng đá trong nước, với sự bổ sung nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới, nhưng ở cấp độ U23, họ không mang đến gì ngoài tiền và phí hoa hồng cho các tay môi giới".
Phóng viên Đổng Vũ Trì nêu quan điểm: "Việt Nam lọt vào chung kết U23 châu Á không phải là sự tình cờ. Gần 10 năm kể từ khi nước này bắt đầu chăm lo phát triển cầu thủ trẻ, hôm nay họ đã thu được thành tựu. Ông trời không phụ người có lòng, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi".
Bên cạnh thành công của Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á, bóng đá Đông Nam Á còn gây tiếng vang lớn ở vòng loại AFC Champions League khi Ceres–Negros (Philippines) thắng Brisbane Roar (Australia) với tỷ số 3-2 hôm 23/1. Tại vòng play-off, Ceres–Negros sẽ gặp Thiên Tân Quyền Kiện, đội bóng giàu có của Trung Quốc Super League.
Thắng Nguyễn