Trong bài xã luận "Sự ổn định của Triều Tiên phù hợp với lợi ích của Trung Quốc" đăng tải ngày hôm qua, Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh kêu gọi: "Trung Quốc nên mời Kim Jong-un sang thăm sớm nhất có thể, vì điều này có lợi cho sự ổn định của Triều Tiên và mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước".
Báo này khẳng định, mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, cũng như tầm quan trọng của Bình Nhưỡng như một đòn bẩy chiến lược trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh tại khu vực Đông Á.
Quan điểm của bài xã luận này tương tự với tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau khi Triều Tiên hôm 9/12 ra thông cáo chính thức về việc cách chức và khai trừ Đảng với ông Jang Song-thaek, chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Trung Quốc hy vọng Triều Tiên tiếp tục duy trì ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và mang lại hạnh phúc cho người dân", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, cho biết.
Theo nhiều chuyên gia và nhà phân tích, ông Jang là người có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và quyết định thanh trừng ông không khỏi khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an.
"Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào Jang trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế Triều Tiên. Sự kiện lần này là một tín hiệu chẳng lành", New York Times dẫn lời giáo sư Châu Phong, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên thuộc đại học Bắc Kinh, nói.
Jang Song-thaek trước khi bị khai trừ từng phụ trách công tác cải cách và phát triển kinh tế. Ông được cho là người có quan điểm mở cửa toàn bộ nền kinh tế, chứ không phải là cải cách từng phần như nhiều quan chức cao cấp khác, kể cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là cũng lo ngại về việc liệu Bình Nhưỡng có tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa không, trong trường hợp chấn động chính trị trong nước quá lớn sau sự kiện Jang Song-thaek bị cách chức.
"Tất cả các quan chức Trung Quốc mà tôi hỏi, đều lo ngại trước khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong thời gian không xa", cựu quan chức tình báo Mỹ Roger Cavazos cho biết.
Hồi tháng hai, Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã công khai lên tiếng cảnh cáo và chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng là "ích kỷ". Đây là động thái rất khác thường trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước.
"Chi tiết gây chấn động nhất trong chùm hình ảnh Jang Song-thaek bị bắt là quân đội thực hiện nhiệm vụ này. Quân đội đang chứng minh sự trung thành với Kim Jong-un và ngược lại", ông Cavazos nói.
Đức Dương