"Nếu tỏ ra yếu đuối và nhượng bộ dưới sức ép bá quyền, Trung Quốc sẽ phạm phải sai lầm lịch sử", People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay dẫn ý kiến của giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong tại Đại học Nhân dân và chuyên gia nghiên cứu Sun Xihui tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
"Khi đối mặt với sức ép cực lớn và hành vi bắt nạt, việc tỏ ra yếu đuối và lùi bước sẽ không được ai thương hại. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và người dân bằng cách duy trì cuộc đấu tranh chính nghĩa, có lợi theo nhịp độ hợp lý", bài xã luận viết.
Hai học giả kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tư duy "lo sợ và tán dương Mỹ", điều sẽ dẫn đến suy nghĩ rằng họ sẽ bị đánh bại bởi chênh lệch sức mạnh quá lớn giữa hai nước. "Thay vào đó, Bắc Kinh cần quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho đến khi giành được thắng lợi".
Bài viết được đăng một ngày sau khi các đòn thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9, đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 14 tháng qua giữa hai nước.
Quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng, tai nghe bluetooth và tivi nằm trong số những mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc trị giá 110 tỷ USD bị Mỹ áp mức thuế mới 15% từ 1/9. Vòng áp thuế thứ hai sẽ có hiệu lực vào 15/12, giáng vào gần như toàn bộ những mặt hàng còn lại của Trung Quốc.
Để đáp trả, Trung Quốc tăng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ hôm qua và sẽ tiếp tục tăng thêm thuế vào ngày 15/12.
Đàm phán thương mại giữa hai nước vẫn rơi vào bế tắc, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6 cam kết sẽ nối lại thảo luận để chấm dứt thương chiến.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc sẽ bám sát ba nguyên tắc chính trong đàm phán với Mỹ, đó là Washington dỡ bỏ thuế quan, đảm bảo thỏa thuận thương mại phải công bằng và việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ phải tùy thuộc vào nhu cầu nội địa.
"Nếu ba nguyên tắc này không được đáp ứng, đàm phán sẽ chẳng có nghĩa lý gì", Shi nói. "Từ khi thương chiến leo thang hồi tháng 5, Trung Quốc chỉ có thể đáp trả. Nếu không, họ sẽ bị xem là yếu đuối".
Shi cho rằng Trung Quốc cũng có thể sử dụng những công cụ phi thương mại, như vấn đề Triều Tiên và Iran, để gây sức ép với Mỹ. "Trung Quốc đã thể hiện sự chân thành, nhưng Trump chỉ coi đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh rất muốn đạt thỏa thuận", giáo sư này nói. "Có nhiều hoài nghi về việc kinh tế Mỹ có tiếp tục đà tăng trưởng trước cuộc bầu cử 2020 hay không. Trump có thể thỏa hiệp nếu có dấu hiệu suy thoái rõ ràng với kinh tế Mỹ".
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cũng nói rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều công cụ trong chiến tranh thương mại với Mỹ. "Vấn đề là chúng tôi có muốn leo thang căng thẳng hay không", nguồn tin này nói. "Tôi không cho rằng Trung Quốc có thể tham gia một cuộc chiến trường kỳ".
Trí Dũng (Theo SCMP)