Đầu tháng 8/2021, Nguyễn Ngọc Bảo Tiên, 11 tuổi, hiện sống tại Gia Lai biết đến cuộc thi vẽ tranh "Vì một Việt Nam tất thắng" dành cho các bệnh nhi ung thư và mắc bệnh hiểm nghèo trên toàn quốc. Không đắn đo, cô bé âm thầm suy nghĩ ý tưởng thực hiện.
Sau nhiều bản nháp, tới khi định hình được phác thảo ưng ý, Bảo Tiên mới bắt tay vào thực hiện. Em nằm trên giường, nghiêng người sang bên trái, bên cạnh đặt hộp bút màu, tờ giấy trắng được kê lên cuốn vở và bắt đầu vẽ.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 tháng điều trị tại bệnh viện, cô bé mới cầm lại bút. Những nét vẽ đầu tiên hơi gượng gạo. Hai ngày sau, bức tranh đầu tiên hoàn thiện.
Trong tranh, Tiên vẽ về Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ công an đang ngày đêm chống dịch. Tiên nói khó nhất là vẽ bác Phúc và bác Đam. Cô bé phải nhìn ảnh để vẽ tập rất nhiều lần. "Con rất vui vì khi nhìn vào tranh, mọi người vẫn có thể nhận ra con đang vẽ ai", Tiên hào hứng nói.
Không chỉ vẽ tranh, Bảo Tiên còn viết một bức thư thay lời cảm ơn và động viên đến các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ. Lâu không cầm bút, cô bé nói lí nhí "con viết không được đẹp như ngày trước", nhưng từng dòng chữ được Tiên viết trong tư thế nghiêng người đã gây xúc động.
"Nhìn các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị Covid-19, không có thời gian nghỉ ngơi, mồ hôi ướt đẫm đầy người để chăm sóc các bệnh nhân mà con thương xót các cô chú bác sĩ. Con cũng biết các bác sĩ từ ngày điều trị cho các bệnh nhân điều trị Covid-19 tới mấy tháng rồi chưa được về nhà, con rất là khâm phục các chiến sĩ áo trắng vì nhân dân không quản khó khăn, cực nhọc...".
Không chỉ thể hiện lời cảm ơn, Bảo Tiên hy vọng "nếu đã nhìn những hình ảnh này, con mong người dân Việt Nam hãy đồng lòng chống dịch. Nếu không có việc gì quan trọng thì nhân dân chúng ta đừng đi lung tung, đừng ra khỏi nhà để giảm đi người ta lây lan vì dịch, hãy ý thức một xíu, hãy sống chậm một xíu để giúp một phần cho những chiến sĩ đang sống chết vì Covid-19 để bảo cho đồng bào, cho nhân dân Việt Nam".
Mẹ đi làm cả ngày, Tiên tranh thủ nhưng lúc rảnh ở nhà để vẽ, viết thư đăng ký dự thi. Cô bé mong có thể làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi để ủng hộ tuyến đầu, giúp đất nước sớm hết dịch.
"Ngoài những lý do trên, con cũng mong vẽ tranh, biết đâu giành được một giải thưởng nào đó để hỗ trợ phần nào cho mẹ. Mẹ con đã vất vả quá rồi, con ước có thể san sẻ gánh nặng với mẹ, để mẹ bớt khổ", Bảo Tiên nghẹn lời.
Ngày 2/12/2020, Bảo Tiên và bố bị thương nặng sau vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai). Vụ va chạm khiến bố của Tiên bị nát một bên chân, đứt dây chằng, riêng em bị thương ở chân, dập nát hết bộ phận sinh dục và được đưa vào bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai cấp cứu.
Nhớ lại ký ức đau buồn, chị Dương Thị Thọ (mẹ của Bảo Tiên) cho biết, ngày nhận tin con gặp nạn, chị gần như suy sụp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đi khắp nơi vay mượn, chạy chữa cho con.
"Điều trị một tuần tại bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai, tôi chuyển cháu vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Dù sao đây cũng là bệnh viện công, con vẫn sẽ được áp dụng chế độ bảo hiểm", chị Thọ bộc bạch.
Cuối năm 2020, hai mẹ con chị chuyển viện.
Gần 10 tháng điều trị tại khoa Bỏng và khoa ngoại Tổng hợp, trải qua 7 lần phẫu thuật, mỗi lần cách nhau từ 1 - 2 tháng nhưng hiếm khi các bác sĩ, y tá thấy Tiên khóc hay làm nũng mẹ. "Đến người lớn còn sợ phẫu thuật nhưng Tiên thì khác. Con bé mạnh mẽ và kiên cường hơn tôi rất nhiều. Ngày còn điều trị ở Gia Lai, khi ấy Bảo Tiên nói với bác sĩ: ‘Con không đau đâu, bác sĩ cứu sống con là được rồi’. Chính bác sĩ ấy còn ngây người khi nghe con bé nói", chị Thọ nhớ lại.
Khoảng thời gian mệt mỏi vì điều trị, cứ ăn được là lại nôn, nhưng Tiên chưa bao giờ lắc đầu từ chối hay nhõng nhẽo mẹ. Cô bé nói với mẹ "Con phải ăn mới có sức để mau khỏi bệnh được".
Từ ngày đưa con vào TP HCM điều trị, mỗi lần về nhà chị Thọ lại tranh thủ nhận đi cắt cỏ, làm ruộng thuê. Công việc bắt đầu từ 8h sáng đến 5h chiều. Sáng chị tranh thủ đi chợ, trưa về nấu cơm cho hai bà cháu rồi chiều lại đi làm; ngày được trả 150 nghìn đồng tiền công.
"Dù tiền không nhiều, nhưng vẫn may vì có người thuê. Cũng có tiền ra tiền vào để thuốc thang cho con và ăn uống trong gia đình. Ngoài ra gia đình còn nợ 20 triệu tiền đi vay đợt đưa con vào viện điều trị", chị Thọ tâm sự.
Ngày 5/7/2021, sau khi kết thúc lần phẫu thuật thứ 7, hai mẹ con chị Thọ trở về Gia Lai, thực hiện cách ly theo quy định. Nhưng chưa kịp quay trở lại để thực hiện phẫu thuật tiếp thì bùng dịch, các bác sĩ khuyên hai mẹ con tiếp tục theo dõi và chờ khi hết dịch thì trở lại.
Vợ chồng chị Thọ ly thân được 7 - 8 năm, Bảo Tiên ở với mẹ và bà ngoại. Trước đây chị xin làm ở quán ăn, mỗi tháng kiếm được 4,5 - 5 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và đóng học cho con. Thương mẹ, cô bé rất ngoan, giúp mẹ việc vặt trong nhà, luôn có ý thức tự học thay vì đi học thêm, nhưng năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Mới 11 tuổi nhưng Bảo Tiên rất hiểu chuyện. Em biết mẹ một mình vất vả đi làm thuê nuôi em và bà ngoại nay đã 80 tuổi. Em biết mẹ đã phải đi vay tiền khắp nơi để chữa bệnh cho mình, nên lúc nào Tiên cũng muốn được làm gì đó giúp mẹ.
Lẳng lặng vẽ tranh và viết thư để tham dự cuộc thi, Tiên không dám cho mẹ biết vì sợ mẹ lo em mệt. Vẽ xong Tiên mới nhờ mẹ chụp lại rồi gửi đi. Ngày gửi tranh đi em nói với mẹ: "Mẹ yên tâm, con sẽ giành giải thưởng về cho mẹ. Con muốn dùng khả năng của bản thân để giúp mẹ bớt khổ".
Từ ngày gặp tai nạn, Tiên buộc phải tạm ngưng việc học trên trường, cô bé hay hỏi mẹ "bao giờ được đến trường"; "bao giờ được đi học lại"... Thầy cô, bạn bè cũng thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm sức khoẻ, mong Bảo Tiên sớm trở lại trường. Hiện tại sức khoẻ của Tiên đã đỡ hơn. Cô bé cũng đang tập đi dù chưa được nhiều, bên cạnh đó cũng luyện tập chân tay, tránh việc nằm một chỗ sẽ không tốt cho cơ bắp. "Con chỉ mong dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi, để các y bác sĩ, các cán bộ chiến sĩ sớm được trở về với gia đình, cuộc sống bình yên trở lại", Bảo Tiên nói.
Còn chị Thọ, chị mong dịch bệnh mau hết để có thể đưa con gái vào TP HCM tái khám, tiếp tục thực hiện phẫu thuật để con có thể xuất viện và trở lại cuộc sống như trước kia.
Thúy Quỳnh
"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, tự kỷ và trẻ mồ côi. Cuộc thi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng cùng trường Đại học Ngoại thương, Trang tin tức giới trẻ iOne.net đồng tổ chức; VTV Digital và báo VnExpress bảo trợ truyền thông.
Ban tổ chức nhận bài dự thi từ 8/8 đến 10/9/2021. Chi tiết xem tại: https://ione.net/viet-nam-tat-thang