Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin từ các quận huyện thì lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới đã khiến một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội bị phá sản. Điển hình là công ty đèn hình Orion - Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội).
Sau nhiều lần làm việc với UBND thành phố và đại diện công đoàn, liên doanh này đã tính đến hai phương án, hoặc nộp đơn ra tòa xin phá sản; hoặc bán lại cho doanh nghiệp khác. "Nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp đều khó khăn, liên doanh này cuối cùng đã chọn phương án phá sản. Dự kiến, ngày 15/12 tới, Orion - Hanel sẽ nộp đơn ra tòa", ông Dĩnh cho biết.
Việc chấm dứt hoạt động của Orion - Hanel đã đẩy khoảng 1.000 lao động lâm vào cảnh mất việc làm, đời sống khó khăn. "Từ tháng 11/2007 đến nay, liên doanh vẫn còn nợ 5,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế", ông Dĩnh cho biết thêm.
Năm 2009, suy thoái kinh tế sẽ khiến nhiều người phải vất vả tìm việc. Ảnh minh họa của Hồng Khánh. |
Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, cũng ghi nhận suy thoái kinh tế thế giới đã tác động đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. "Đầu và giữa năm nay, mỗi phiên có hơn 100 công ty tham gia, đăng ký tuyển 5.000-6.000, thậm chí 8.000 lao động. 2 tháng gần đây chỉ khoảng 90 đơn vị tham gia, đăng ký tuyển 3.000-4.000. Nhiều công ty đăng ký tuyển, nhưng gần đến phiên giao dịch lại hủy", ông nói.
Tại các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, tình trạng doanh nghiệp bị phá sản, hoặc cắt giảm nhân công cũng đang diễn ra mạnh.
Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký với Sở cắt giảm lao động, khoảng 2.600. Đó là doanh nghiệp của Đài Loan và Hàn Quốc, chuyên sản xuất may, chế biến gỗ, điện tử. "Suy thoái kinh tế thế giới khiến đơn hàng không có, công ty mẹ ở Đài Loan, Hàn Quốc gặp khó buộc họ phải thu hẹp sản xuất, tinh gọn bộ máy", ông Hoàng lý giải.
Tuy nhiên, ngành lao động Đồng Nai không quá lo lắng bởi các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh đang thiếu khoảng 5.000 công nhân. "Ngay khi có thông tin một số doanh nghiệp cắt giảm, nhiều công ty thiếu người đã đến xin ngay, tất nhiên họ phải mất công đào tạo lại", ông Hoàng cho VnExpress.net biết.
Tại TP HCM, theo tin từ Liên đoàn lao động thành phố, từ đầu năm đến nay đã có 14 doanh nghiệp ngưng hoạt động với trên 4.000 công nhân mất việc. Đó phần lớn là doanh nghiệp chuyên gia công cho nước ngoài, thuộc ngành dệt may, giày da. Do đơn hàng phụ thuộc vào đối tác nên khi đối tác gặp khó, các công ty cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá năm 2009 tình hình thiếu việc làm sẽ căng thẳng hơn.
Năm nay đã khó, nhưng dù sao doanh nghiệp vẫn cầm cự được do còn nguyên vật liệu, đơn hàng hợp đồng từ cuối năm 2007, đầu năm 2008. "Sang năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động sâu rộng tới tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực gia công, xuất khẩu của ta", ông Dĩnh phân tích.
Hồng Khánh
Đính chính Do nguồn cung cấp tin có sự nhầm lẫn và phóng viên sơ suất trong việc kiểm tra, khi bài báo: "Bão thấp nghiệp đe dọa khu công nghiệp" này lên trang, tên Công ty đèn hình Orion Hanel đã bị viết thành Công ty điện tử Daewoo Hanel. Ngay sau khi phát hiện sai sót này, chúng tôi đã điều chỉnh nội dung. VnExpress.net xin cáo lỗi Công ty Daewoo Hanel và bạn đọc. |