Ban biên tập Thanh Niên tuyên bố:
“Chúng tôi không rõ nội dung công văn trên đây có phải là quan điểm của tập thể Ban Thường vụ Hội Nhà báo VN hay là quan điểm riêng của Ủy viên Thường trực Đỗ Khánh Toàn. Nhưng vì là một công văn chính thức có đóng dấu của Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN, nên chúng tôi xin có một số ý kiến sau:
1. Tại thời điểm tháng 2/1996, khi ông Trần Mai Hạnh ký Công văn 333/HNB gửi ông Phạm Sĩ Chiến, Phó viện trưởng VKSND Tối cao, tờ Nhà báo & Công luận chưa ra mắt bạn đọc. Vì vậy, nói rằng việc chuyển tải đơn thư và ý kiến bạn đọc đến cơ quan chức năng với tư cách của một cơ quan báo chí là hoàn toàn không có căn cứ. Còn Hội Nhà báo thì không có nhiệm vụ ra văn bản chuyển tải ý kiến công dân, cụ thể là của bà Phan Thị Trúc, đến cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết. Vả lại, vào thời điểm đó, đã có nhiều tờ báo, trong đó có Thanh Niên, Tiền Phong... đăng hàng loạt bài điều tra về hoạt động tội ác của Năm Cam. Tại sao ông Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo VN không tham khảo thông tin điều tra trên các tờ báo trong hệ thống chính trị của mình, mà chỉ căn cứ vào khiếu nại của vợ Trương Văn Cam để có ý kiến thiên lệch mang nặng tính chất bảo vệ cho Năm Cam.
2. Hơn 8 tháng sau, vào tháng 10/1996, ông Trần Mai Hạnh lại ký công văn thứ hai (số 703/HNB) nhắc lại nội dung công văn thứ nhất. Lúc này, Nhà báo & Công luận đã ra mắt bạn đọc (tháng 6/1996), ông Trần Mai Hạnh ký với tư cách Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo và Tổng biên tập Nhà báo & Công luận. Đồng thời, ông cho đăng bài Về đơn trình bày của bà Phan Thị Trúc. Bài báo hoàn toàn không chỉ là “ý kiến công dân” như công văn do ông Đỗ Khánh Toàn ký gửi Thanh Niên, mà nêu rõ quan điểm của tờ báo, qua 4 nhận xét sau khi “thẩm tra, xác minh bước đầu” sự việc, trong đó nhấn mạnh Trương Văn Cam “chưa từng bị xử lý, giáo dục (kể cả hành chính và hình sự), chưa một lần nào bị công an bắt quả tang, lập biên bản và xử lý về hành vi tổ chức đánh bạc cũng như về hoạt động phạm pháp nào khác”, và cho rằng Trương Văn Cam “không thuộc diện phải đưa đi tập trung cải tạo”. Trong khi cơ quan điều tra lúc đó đã kết luận Trương Văn Cam đã có tiền án, 3 tiền sự và đang được cơ quan điều tra củng cố hồ sơ để truy tố hình sự với y. Vậy Nhà báo & Công luận căn cứ vào đâu để đưa ra những nhận xét như vậy?
3. Công văn do ông Đỗ Khánh Toàn ký gửi Thanh Niên cũng nêu: “Điều đáng lưu ý là thời gian đó, Trương Văn Cam không phải là nhân vật như bây giờ. 6 năm sau, việc Năm Cam hình thành băng nhóm là sự việc các cơ quan báo chí không thể giám sát theo dõi từng thời gian được”. Đây là một nhận xét hết sức lạ lùng vì theo cơ quan điều tra, theo báo chí và nhân dân TP HCM, thì hầu như ai cũng biết ngay từ trước năm 1995, Năm Cam đã là một trùm xã hội đen tối nguy hiểm, đứng đầu cả một “bộ máy” tội ác và chỉ riêng việc thu lợi bất chính từ các sòng bạc bất hợp pháp đã lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày. Bộ Nội vụ lúc đó cũng đã khẳng định bằng văn bản: Bắt Năm Cam là bắt đúng đối tượng có nhiều hành vi nguy hại đến an ninh trật tự và cuộc sống của nhiều người dân. Triệt phá tận gốc băng nhóm Năm Cam là củng cố nội bộ các ngành và lấy lại lòng tin nhân dân...
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này và khẳng định những nội dung trong công văn do ông Đỗ Khánh Toàn ký nhân danh Thường vụ Hội Nhà báo VN gửi báo Thanh Niên là không thỏa đáng và sai sự thật...”.