Bức ảnh "Bào thai 18 tuần" mô tả một thai nhi trong bọc ối, còn nguyên dây rốn nối với nhau thai, được đạt đến độ hoàn thiện về cả kỹ thuật và cảm xúc, thách thức các chuẩn mực về nhiếp ảnh hiện đại..
Thai nhi chưa chào đời, đôi mắt nhắm nghiền, hai bàn tay bé nhỏ ép chặt vào lồng ngực. Bọc ối như đang trôi trong không gian.
Bức ảnh được chụp bởi phóng viên người Thụy Điển Lennart Nilsson. Ông trình bày ý tưởng của mình với tạp chí Life vào năm 1954. Sau hơn một thập kỷ, ông cho ra đời bức ảnh đầu tiên chụp thai nhi trong bụng mẹ. Đây là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử nhiếp ảnh cũng như nghiên cứu sinh học.
Công nghệ siêu âm thai lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1956 tại Glasgow, chủ yếu cho các mục đích lâm sàng. Tuy nhiên, cho tới năm 1970, phương pháp này mới trở nên phổ biến. Hình ảnh siêu âm thai cho đến ngày nay vẫn vô cùng kém chất lượng. Vì vậy, để có được bức ảnh rõ nét nhất của thai nhi còn trong bọc ối, Nilsson đã sử dụng một máy ảnh nội soi, luồn vào tử cung của sản phụ.
Phối hợp với ông có hai chuyên gia nội soi người Đức, Karl Storz và Jungners Optiska. Hai nhà khoa học đã chế tạo ra loại ống kính macro và ống kính góc rộng có thể đưa vào cơ thể người. Trong suốt 7 năm, Nilsson chỉ chụp duy nhất một thai bào sống. Bức này đó được giới thiệu riêng trong series của Life. Các ảnh khác đều chụp từ tử cung của sản phụ đã sảy thai hoặc đình chỉ thai kỳ.
Nilsson làm việc chặt chẽ với Giáo sư Axel Ingelman-Sundberg, Trưởng khoa Phụ khoa, Bệnh viện Sabbatsberg, thành phố Stockholm. Kể từ năm 1958 đến năm 1965, ông tiếp xúc với nhiều sản phụ, ghi lại hàng trăm bức ảnh, từ giai đoạn tinh trùng gặp trứng cho tới tháng thứ 6 của thai kỳ.
Ông cũng sắp đặt một studio ngay tại bệnh viện, đặt các bào thai vào môi trường tương tự bể cá, tạo hiệu ứng khiến thai nhi như đang trôi trong không gian.
Sau này, Nilsson xuất bản cuốn sách A child is born (Một đứa trẻ được sinh ra), hướng dẫn cách dưỡng thai cho các sản phụ. Đây là một trong những cuốn sách minh họa bán chạy nhất mọi thời đại, được dịch ra 20 thứ tiếng.
Vào năm 1970, khi phong trào nữ quyền bùng nổ, những bức ảnh của Nilsson bị nhiều nhà hoạt động xã hội sử dụng trong các cuộc biểu tình chống phá thai. Tuy nhiên, vì không muốn chính trị hóa tác phẩm của mình, Nillsson từ chối tái công bố các bức ảnh và giữ quan điểm trung lập.
Đến năm 2017, trước khi qua đời ở tuổi 94, Lennart Nilsson cho phép triển lãm Paris Photo trưng bày các di sản của mình. Cho đến nay, ‘Bào thai 18 tuần’ vẫn được coi là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất của thế kỷ 20.
Thục Linh (Theo Guardian)