Sáng 25/12, trung tá Vũ Duy Lương, Chính trị viên giàn DK1/16 (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, từ 22h ngày 24/12, sóng gió trên biển thổi mạnh. Các chiến sĩ trên giàn hồi hộp khi gió bão tăng cấp từng giờ.
"Lúc bão đi qua, giàn chúng tôi cách tâm chừng 20 - 25 hải lý. Đến 2h30 sáng nay, bão Tembin đã qua giàn hoàn toàn", trung tá Lương cho hay.
Theo trung tá Lương, khi bão lướt qua, gió mạnh liên tục đổi 3 hướng, ước chừng sóng biển dâng cao hơn 10 m và cảm nhận giàn có rung lắc nhưng không đáng kể. Bão Tembin đã gây ra một số thiệt hại nhưng không lớn. Cán bộ chiến sĩ trên giàn đang tiến hành khắc phục.
"Đêm qua, tất cả chiến sĩ trên giàn hầu như không chợp mắt để sẵn sàng chống bão, không ai có ý nghĩ về giáng sinh", trung tá Lương chia sẻ.
Còn thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, 20h hôm qua, sóng đánh vào chân nhà giàn DK1 dữ dội. Gió rít liên hồi. Khoảng 3-5h sáng nay, ở nhà giàn cột sóng cao gần 15 m, có khi đánh vọt qua 30 m khiến nước văng vào trong, ướt sũng.
Theo thượng tá Dĩnh, đánh giá bão lớn, từ những hôm trước đơn vị đã chằng chống nhà giàn. Đồng thời, những trang thiết bị, vật dụng được gói ghém, kê lên cao. Ngoài ra, chiến sĩ trên nhà giàn cũ đã được chuyển sang nhà giàn mới, cách đấy 50 m, nên mọi người an toàn.
"Nhà giàn rung lắc mạnh nhưng các chiến sĩ chuẩn bị kỹ nên tâm lý khá ổn", thượng tá Dĩnh nói và cho biết, đêm qua mọi người gồng mình chống bão và luôn dõi mắt sang nhà giàn cũ để theo sát diễn biến.
Thượng tá Dĩnh cho rằng, đây là cơn bão khốc liệt nhất trong lịch sử, kể từ khi nhà giàn thành lập năm 1989 đến nay. "May mà có nhà mới che chắn, không thì toàn bộ hệ thống nhà giàn cũ đã bị nhổ sạch. Cán bộ chiến sĩ an toàn tuyệt đối giờ lại lo cho đất liền", thượng tá Dĩnh nói.
DK1 là cụm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK1 có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Tại đảo Trường Sa sáng nay không còn mưa, sóng gió nhẹ dần. Khi bão đi qua, nhiều nơi trên đảo bị hư hỏng. Gần 80 tấm pin năng lượng mặt trời cùng hệ thống chiếu sáng ở các đảo Tiên Nữ, Trường Sa Đông, Trường Sa, Phan Vinh, An Bang… bị gió cuốn mất. Hàng loạt cây tại đảo An Bang, Trường Sa ngã đổ rạp. Nhiều chuồng nuôi bị tốc mái, hệ thống tăng gia trên đảo bị sập đổ. May mắn, không có thương vong về người.
5h ngày 25/12, tâm bão còn cách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất khoảng 135 km/h (cấp 12), giật tăng hai cấp. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 25km/h, tối và đêm nay bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió 100 km/h (cấp 10), giật cấp 12. "Sáng sớm mai, tâm bão ở Cà Mau, giữ nguyên sức gió. Cường độ bão tương tự cơn bão Linda đã đổ bộ vào đây tròn 20 năm trước", đại diện trung tâm đánh giá. Đến 16h ngày 26/12, tâm bão cách Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 100 km về phía Tây với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8), giật cấp 11. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Vịnh Thái Lan. |
Nhóm phóng viên