Chiều 28/1 khi cả nước sôi sục đón đội U23 Việt Nam hồi hương, anh Nguyễn Xuân Thành, hướng dẫn viên, vẫn lật đật ở Nam Kinh, Trung Quốc để lo vé máy bay bị huỷ, đặt bữa phát sinh cho đoàn 29 khách. Theo kế hoạch, đoàn của anh Thành về Việt Nam sáng 28/1, sau khi hết mình cổ vũ ở sân vận động Thường Châu đêm hôm trước. Nhưng suốt cả hành trình, anh Thành chưa được một lúc nghỉ ngơi thực sự.
Khởi hành từ Hà Nội sáng sớm 26/1, đoàn anh Thành đến cửa khẩu Hữu Nghị và mất 2 tiếng mới có thể nhập cảnh Trung Quốc vì lượng khách quá đông. Bay đến Nam Kinh, tuyết rơi dày đặc khiến nhiều điểm tham quan trước trận đấu trong hành trình phải huỷ.
Đường tuyết trên hành trình ở Trung Quốc. Video: Xuân Thành.
"Khoảng cách từ Nam Kinh đi Thường Châu là 180 km bình thường chỉ cần 2 tiếng là đến nơi. Nhưng tuyết dày đường đóng băng nên cao tốc đóng, đoàn phải đi đường quốc lộ. Tốc độ di chuyển của xe là 30 km/h cả đoàn lo lắng vì sợ không kịp đến sân", anh Thành kể và may mắn mọi người vẫn đến kịp giờ.
Rắc rối bắt đầu khi đoàn lên xe về lại Nam Kinh lúc 21h45. Theo luật giao thông của Trung Quốc, xe chở khách trên 9 chỗ không được lưu thông từ 2h đến 5h, nghĩa là đoàn chỉ còn 4 tiếng để về Nam Kinh trong khi buổi sáng phải đi mất 6 tiếng. Tình huống xấu nhất là đoàn phải nghỉ lại trên đường đến 5h, rồi đi tiếp về khách sạn lấy đồ ra ngay sân bay để đáp chuyến bay 10h40 về Nam Ninh.
"Tuyết rơi nhưng đường không bị đóng băng nên tốc độ của xe nhanh hơn. 1h32 ngày 28/1 đoàn có mặt tại khách sạn, không phải ngủ trên đường. Nhưng tin không tốt ập đến, sân bay Nam Kinh đóng cửa, chuyến bay bị huỷ chờ thông báo mới", anh Thành nhớ lại.
Liên tục cập nhật thông tin về chuyến bay đi Nam Ninh, anh Thành cho biết ở sân bay Nam Kinh, còn hàng chục khách Việt khác cũng đang bị mắc kẹt như mình. "Chi phí phát sinh do chuyến bay bị huỷ không được hàng không hỗ trợ, nhưng khách không phải chịu. Công ty sắp xếp cho khách đi tham quan Nam Kinh trong thời gian chờ", hướng dẫn viên kể. Đêm 28/1, dù đã lo đủ vé máy bay cho đoàn 30 người trên 4 chuyến ngày hôm sau, anh Thành vẫn chưa thể yên tâm vì tuyết bắt đầu tan.
Cũng chung cảnh mắc kẹt nơi đất khách quê người, anh Tuấn, hướng dẫn viên, không chỉ phải xử lý tình huống mà còn chịu sự chỉ trích của khách. Đến thành phố Trường Sa đêm 25/1, tuyết bắt đầu rơi, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa. "Có lẽ việc kiếm nhà hàng ăn tối là vấn đề khó khăn nhất trong tour này", anh Tuấn nói.
Khi ra sân bay để di chuyển từ Trường Sa đi Thượng Hải thì chuyến bay bị huỷ. Đoàn đổi hướng ra nhà ga tàu cao tốc đi Hàng Châu để kịp thời gian cho trận chung kết. Anh Tuấn kể: "Hai hướng dẫn viên bon chen hơn một tiếng mới gom mua đủ vé cho đoàn xuất phát lúc 17h. Sau 6 tiếng đoàn tới ga Hàng Châu, 12h đêm mới về tới khách sạn. Hai anh em lại lang thang đi tìm quán ăn cho khách".
Sáng 27/1, đoàn xuất phát đi sân vận động Thường Châu với khoảng cách 230 km dự kiến thuận lợi mất 4 tiếng nhưng thực tế là 8 tiếng. "Xe phải đổi đường liên tục, có lúc chúng tôi nghĩ không kịp xem đá bóng vì mỗi tiếng xe chỉ đi được 30 km". Đến nơi, đoàn không kịp ăn trưa mà ùa vào sân.
"Mặc dù là người rất đam mê bóng đá, tôi không có nhiều thời gian để tập trung xem, mà phải điện thoại liên tục để đặt vé tàu cho đoàn từ Thường Châu về Thượng Hải ngay trong đêm, kịp chuyến bay hôm sau vào lúc 7h50 sáng, vì tất cả đường di chuyển đều bị cấm do thời tiết", anh Tuấn chia sẻ. Kết thúc trận đấu, anh buồn vì kết quả, cũng buồn vì không có vé.
21h, đoàn lên xe về Thượng Hải và bắt đầu tính phương án thuê các xe nhỏ chia đoàn ra để về Thượng Hải trước lệnh cấm 2h-5h. 3h30 sáng, mọi người về tới khách sạn. Anh không kịp ngủ, chờ 5h đưa đoàn ra sân bay.
Không may mắn như hai đoàn khách trên, Quách Anh, du khách Hà Nội, đã không thể đặt chân đến Thường Châu dù đã nhập cảnh Trung Quốc và tới Nam Ninh. Trên trang cá nhân, Quách Anh kể 36 tiếng bị kẹt ở Nam Ninh là kỷ niệm không thể quên.
"Từ 3h sáng tới 10h tối, chờ đợi, di chuyển và đói rét, bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, mọi người bắt đầu loạn lạc. Về khách sạn vào đêm, chúng tôi mới biết mình không phải đoàn xe duy nhất", Quách Anh nhớ lại. Theo cô, có những đoàn xe khác đã từ Nam Ninh tới sân bay và lại phải quay về. Đó là lúc có người tách đoàn, liên lạc mọi nơi để tìm được vé cho kịp tới Thường Châu, kể cả chỉ kịp chạy vào sân vận động ở những giây phút cuối.
Mọi người tìm các phương án, như đi 400 km trong đêm tới Quế Lâm để bay đi Thượng Hải, hoặc đi lên Quảng Châu để bay tới gần Thường Châu. "Những người không thể đi được thì bắt đầu kích động và cãi nhau xô xát. Một cảnh tượng vỡ trận hết sức mệt mỏi", ký ức của Quách Anh về chuyến cổ vũ U23 Việt Nam.
Chỉ chợp mắt được 2 tiếng, 4h30 sáng hôm sau, đoàn của Quách Anh quyết định quay trở lại Việt Nam khi biết không còn chuyến bay nào tới Thường Châu. "Chỉ những ai tham gia vào chuyến đi này mới có thể cảm nhận hết sự vất vả, khổ cực của người hâm mộ và của các hướng dẫn viên khi mọi người tìm đủ mọi cách để có thể tới nơi thi đấu", cô kể và cho rằng mình vẫn may mắn khi kịp theo dõi trận chung kết ở Hà Nội.
Theo một số công ty du lịch tổ chức tour Thường Châu, họ đã phải huỷ tour vào phút chót nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Nguyên nhân là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc, nhiều chuyến bay bị huỷ. Việc lên chương trình tour gấp chỉ trong vài ngày cũng khiến khâu chuẩn bị không được chu đáo.