Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ hai, 2/12/2019, 14:05 (GMT+7)

Bảo tàng sâm Ngọc Linh ở Sài Gòn

Bảo tàng trưng bày hơn 400 mẫu sâm Ngọc Linh của Việt Nam, nhiều củ có giá trị hàng tỷ đồng.

Ngày 1/12, Bảo tàng sâm Ngọc Linh (quận Tân Phú, TP HCM) hoạt động sau hai tháng xây dựng. Tại đây trưng bày hơn 400 hiện vật về giống sâm quý của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Việt, Giám đốc bảo tàng bên bộ sưu tập sâm được ông thực hiện hơn 15 năm qua. "Sâm Ngọc Linh không chỉ là dược liệu mà còn là lịch sử, văn hóa. Nhiều năm nghiên cứu, tôi muốn lập bảo tàng để mọi người tìm hiểu, chiêm ngưỡng về giống sâm quý này", ông Việt nói.

Bảo tàng rộng khoảng 250 m2, ngay lối vào là những bài viết, tranh ảnh, sơ đồ phân bố của sâm Ngọc Linh. Loài này chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh (thuộc Kon Tum và Quảng Nam), ở độ cao từ 1.200 đến 2.000 m.

Sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Nó nằm trong bốn loài sâm quý thế giới (sâm Ngọc Linh, sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Trung Quốc) bởi có trong nhóm cấu trúc saponin khung dammaran giá trị cao. Đặc biệt, số lượng saponin của sâm chiếm tỷ lệ cao, nổi trội với 52 hợp chất nằm ở phần thân dưới, rễ, củ (sâm Triều Tiên dưới 40 hợp chất).

Ba củ sâm có tuổi đời hơn 50 năm được trưng bày. Củ sâm ở giữa 65 năm, có tuổi đời lâu nhất ở đây.

Những củ sâm có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Củ nặng và lâu năm càng tăng giá trị. Mỗi mấu trên củ sâm tương đương với một năm tuổi.

Củ sâm Ngọc Linh to nhất trưng bày tại bảo tàng nặng 1,3 kg. "Củ sâm này tôi sở hữu hơn 5 năm nay, có giá hàng tỷ đồng được nhiều người hỏi mua", ông Việt cho biết.

Ngoài sâm tự nhiên, bảo tàng còn trưng bày các loại sâm Ngọc Linh được nhân giống.

Trước nguy cơ tuyệt chủng giống sâm quý, chính phủ đã xếp sâm Ngọc Linh vào loại cây cấm khai thác, mua bán bất hợp pháp. Khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là vùng cấm quốc gia. Hơn 20 năm nay, khu vực này cũng là nơi nhân giống sâm Ngọc Linh.

Một khu vực khác trưng bày củ tam thất và các loại củ mang tên “sâm”. Chủ nhân bảo tàng cho biết, củ tam thất cũng là cây dược liệu, có hình dáng khá giống sâm Ngọc Linh nên thường bị trộn lẫn để lừa người tiêu dùng.

"Việc trưng bày củ tam thất, các loại củ tên 'sâm' giúp khách tham quan dễ phân biệt, qua đó hiểu hơn giá trị của sâm Ngọc Linh", ông Việt nói.

Những củ hồng đẳng được trồng tại Đà Lạt là một loại mang tên "sâm" được trưng bày.

Sâm Ngọc Linh là bảo tàng tư nhân thứ tư ở TP HCM, mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ ba.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net