Thứ sáu, 24/1/2025
Chủ nhật, 1/10/2023, 00:00 (GMT+7)

Bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên tại TP HCM

Bảo tàng Quang San, thành phố Thủ Đức, có 1.000 tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiều tranh của họa sĩ nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại TP HCM, nằm trong tòa nhà ba tầng diện tích 2.000 m2, ở đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền.

Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Thiều Quang - người sáng lập bảo tàng. Ông Quang cho biết mở địa điểm này để giới thiệu đến khán giả những tác phẩm được sưu tầm qua hơn 20 năm.

Bảo tàng gồm một trệt, hai lầu. Tầng trệt trưng bày những tác phẩm mỹ thuật của những họa sĩ khởi xướng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Họ chủ yếu là lứa họa sĩ và giảng viên người Pháp tới Đông Dương đầu thế kỷ 20 cho đến các thế hệ học sinh thuộc những khóa đầu tiên của Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1925-1945).

Tầng một giới thiệu các tranh của họa sĩ xuất thân Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và một số tác giả cùng thời. Tầng này còn có thêm một khu giới thiệu tác phẩm thời kỳ kháng chiến từ 1945 đến 1975.

Tầng còn lại là không gian trưng bày lớn nhất của bảo tàng. Tranh được được chia theo từng vùng miền, thuộc thời kỳ hậu chiến tranh và bắt đầu chính sách đổi mới của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Tác phẩm xưa nhất của bảo tàng trưng bày ở tầng trệt là bức Lễ Nam Giao ở Huế, vẽ bằng màu nước của họa sĩ Trần Quang Trân (1900-1969).

Họa sĩ có bút danh Ngym, sau đổi thành Nghi Am, học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những khóa đầu tiên. Ông là một trong những họa sĩ tiên phong trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài Việt Nam thời hiện đại.

Ba bức tranh (từ trái sang): Nhà sư và chú tiều (Évariste Jonchère), Phong cảnh (Alix Aymé) và Hai thiếu nữ Việt Nam (Joseph Inguimberty) đựợc vẽ khoảng đầu thế kỷ 20. Đây là tác phẩm của hiệu trưởng (Évariste Jonchère) và các giảng viên Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thực hiện, bằng chất liệu sơn mài, sơn dầu.

Cạnh đó là bốn tác phẩm (từ trái sang) của danh họa Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm (được mệnh danh "Tứ kiệt Đông Dương", "Tứ kiệt trời Âu"), với chủ đề về người phụ nữ. Những tác phẩm này từng được chủ nhân bảo tàng cho các đơn vị triển lãm mượn trưng bày.

Bức tranh Thuyền trên sông Hương vẽ năm 1935 bằng chất liệu sơn dầu trên canvas của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Tô Ngọc Vân (1906-1954), còn có bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1926-1931. Họa sĩ là người thành công, tiêu biểu nhất với hội họa sơn dầu.

Một tác phẩm vẽ chân dung thiếu nữ năm 1941, bằng chất liệu sơn dầu trên canvas của danh họa Trần Văn Cẩn.

Trần Văn Cẩn (1910 - 1994), tốt nghiệp thủ khoa khóa bảy (1931-1936) của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ký họa màu nước của ông trở thành ký ức, giai thoại, hay những câu chuyện phản ánh hiện thực cuộc sống.

Tầng tiếp theo nổi bật là các tác phẩm (từ trái sang) của họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm. Họ được gọi là bộ tứ "Phái - Sáng - Liên - Nghiêm" của hội họa Việt Nam.

Tác phẩm chủ đề Trung thu bằng sơn dầu của họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988). Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội.

Tầng cuối cùng trưng bày tranh của thời kỳ đổi mới, nổi bật là tác phẩm sơn dầu Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng của họa sĩ Nguyễn Kao Thương (1918 - 2003). Đây là tranh có kích thước lớn nhất (2 x 4 m) trưng bày tại bảo tàng. Chủ nhân bộ sưu tập cho biết, bức này được mua khoảng 10 năm trước, từ một nhà sưu tập của Thái Lan.

Bảo tàng mở cửa từ 9 đến 16h mỗi ngày, trừ thứ hai. Giá vé 200.000 đồng với người lớn và 100.000 đồng cho trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu nghệ thuật. Người khuyết tật và trẻ nhỏ dưới sáu tuổi được miễn phí vé.

Toàn cảnh bảo tàng bên bờ sông Sài Gòn.

Quỳnh Trần