Thứ năm, 20/2/2025
Thứ ba, 18/2/2025, 07:00 (GMT+7)

Bảo tàng kỹ thuật số 'ma thuật' ở Tokyo

Nhật BảnBảo tàng nghệ thuật TeamLab Planets tại Tokyo dựa trên công nghệ kỹ thuật số và tương tác của du khách, tạo nên những trải nhiệm độc đáo.

Teamlab Planets - không gian nghệ thuật ở trung tâm thủ đô Tokyo, được nhiều du khách gọi là bảo tàng ánh sáng hoặc bảo tàng ma thuật. Bảo tàng rộng gần 1.000 m2, khác biệt với những điểm tham quan truyền thống bởi du khách sẽ được tham gia tương tác trong thế giới ánh sáng, màu sắc và hình ảnh thay đổi liên tục khi chạm vào các tác phẩm nghệ thuật.

Bảo tàng mở cửa lần đầu năm 2018 và có gần 80% khách là khách nước ngoài. Mới đây, hình ảnh vợ chồng con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng được ghi lại khi xếp hàng mua vé tham quan tại đây. Nhiều khu vực mới trong bảo tàng được mở cửa vào cuối tháng 1.

Theo người sáng lập Toshiyuki Inoko, ý tưởng đằng sau bảo tàng nhằm "thay đổi nhận thức về ranh giới giữa chúng ta và thế giới".

Thưởng thức các tác phẩm tại TeamLab Planets mang đến cho khách cơ hội vui chơi và kích thích các giác quan. Mỗi tác phẩm được trưng bày mang bố cục hòa quyện với thiên nhiên nhờ sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh và công nghệ.

Bảo tàng có nhiều khu trải nghiệm để du khách được đi bộ xuyên qua làn nước hay hòa vào các tác phẩm nghệ thuật.

Hình ảnh trên thuộc khu vực công cộng - không cần vé vào cửa. Nơi đây nổi bật với tác phẩm nghệ thuật khổng lồ có tên "Vũ trụ của các giọt lửa rơi xuống từ trời cao". Tác phẩm sắp đặt dường như nguyên khối được tạo ra từ kỹ thuật số, phỏng theo hình dáng một cột lửa.

Khu vực nước là nơi các tác phẩm có nhiều khoảng không để du khách có thể đi chân trần, dạo bước giữa những chú cá koi kỹ thuật số. Khác cũng có thể chạm, tác động lên các tác phẩm nghệ thuật thông qua điện thoại thông minh.

Khi vào đây, du khách không nên mang theo các đồ vật quý giá vì có thể bị rơi xuống nước và không thể tìm thấy.

Tại khu vực vườn, du khách ở trong thế giới của hơn 13.000 bông hoa lan trong tác phẩm "Floating Flower Garden" (Vườn hoa nổi). Những bông lan sẽ phản ứng khi du khách đến gần, nổi lên và tạo ra những khoảng trống bao quanh để có một trải nghiệm vô thực.

Không gian "Tinh thể vô tận" (Infinite Crystals) là một bữa tiệc màu sắc không giới hạn cho tâm hồn và thị giác, biến đổi khoảng trống thành một khoảng thời gian. Hàng nghìn tinh thể sáng bóng treo lơ lửng phản chiếu ánh sáng, tạo ra một bầu không khí tưởng tượng giống như một cửa sổ mở ra một vùng trời mới.

Du khách có thể ăn mì ramen trong khu vực tác phẩm sắp đặt "Không gian phi mục tiêu đảo xoay chiều". Mì ramen là sự hợp tác giữa TeamLab Planets và "Ramen thuần chay UZU" - nhà hàng đến từ Kyoto, được liệt kê trong những cuốn cẩm nang ẩm thực nổi tiếng châu Âu.

Vé vào cửa TeamLab Planets hiện là 3.800 yen (khoảng 650.000 đồng) cho người lớn, 2.300 yen (385.000 đồng) cho học sinh trung học, 1.300 yen (220.000 đồng) cho trẻ em từ 4 đến 12 tuổi.

Du khách nên đặt vé trước qua website trước ngày tham quan. Vé cũng được bán tại quầy nhưng khách phải chờ lâu, đặc biệt là vào những ngày đông khách, thời gian xếp hàng có thể gần hai tiếng.

Để đến bảo tàng, du khách đi tàu điện ngầm tới ga Shin-Toyosu trên tuyến Yurikamome hoặc ga Toyosu trên tuyến Yurakucho. Bảo tàng nằm cách khu phố đi bộ mua sắm nổi tiếng Ginza 10 phút đi ôtô. Du khách cũng có thể lựa chọn di chuyển bằng taxi.

Sau khi trải nghiệm TeamLab Planets, du khách được khuyên nên ghé thăm chợ Toyosu, trung tâm mua sắm LaLaport Toyosu, tản bộ trên những vỉa hè có không gian đẹp ở khu Toyosu, thăm công viên Toyosu Gururi, hoặc thư giãn bên bờ biển.

Tâm Anh tổng hợp
Ảnh: teamlab

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net