Bức phù điêu 99 m, đèn chùm 1 tấn, dàn nhạc cụ, là những tác
phẩm sứ kỷ lục mà Minh Long chế tác suốt 20 năm,
gửi kỳ vọng lưu giữ di sản văn hóa Việt.

Năm 1961, ông Lý Ngọc Minh khi đó mới tròn 12 tuổi đã lần đầu được dự triển lãm các dòng sứ cao cấp thay vì sự thô kệch của các lò gốm trong làng. Một ước mơ thắp lên trong ông: kế thừa truyền thống để tạo cuộc cách mạng với ngành sứ.

Ông Lý Ngọc Minh (giữa) cùng đội ngũ.

Ông vùi mình trong “phòng thí nghiệm” vài mét vuông, xây nhà máy từ tranh tre, dần gây dựng Minh Long thành hãng gốm sứ với kỹ thuật tầm thế giới. Hoài bão của ông không chỉ dừng ở kinh doanh. Trong tâm thức của người Nghệ nhân nhân dân, gốm sứ như một “sứ giả” của văn hóa, kể câu chuyện nét đẹp xứ Việt cho đời sau, lan tỏa khắp bốn miền và cả thế giới. Tầm nhìn này đưa ông đến một hành trình kéo dài hơn hai thập niên: xây dựng bảo tàng gốm sứ Minh Long với những hiện vật đặc biệt nhất.

Sau 20 năm tạo dựng, đầu năm 2025, Minh Long tổ chức lễ khánh thành, giới thiệu về công trình đến người yêu gốm sứ. Trong tổng khuôn viên khoảng 120.000 m2, bảo tàng chia thành 5 không gian, trưng bày các sản phẩm độc bản lần đầu tiên được Minh Long chế tác và giới thiệu, lưu lại hành trình dòng họ Lý hơn 100 năm.

“Mỗi tác phẩm kết hợp kỹ thuật - nghệ thuật - mỹ thuật - văn hóa,
là câu chuyện sống động về tinh thần sáng tạo, ẩn chứa triết lý
nhân sinh của một người suốt đời đam mê gốm sứ cùng đội ngũ”

Ông Lý Ngọc Minh giới thiệu về không gian bảo tàng.

Tất cả sản phẩm đều chế tác bằng kỹ thuật hiện đại nhất: nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C theo tiêu chuẩn Châu Âu, kích thước lớn nhưng đúc liền khối thay vì ráp từng mảnh, nung ra các màu sắc khó nhất như đỏ son, xanh vua (king blue).

Cảnh quan từ ngoài vào trong được tổng công trình sư Lý Ngọc Minh sắp xếp có chủ ý, mà theo lời ông mô tả là "hợp tình hợp lý".

Bên ngoài bảo tàng tạo dấu ấn với hồ nước, nằm giữa là Chén ngọc đường kính 4,5 m đúc liền khối thay vì ráp từ hai mảnh, chứa đến 30 m3 nước. Công trình tạo hài hòa trong bố cục tổng thể, chứa nhiều ngụ ý về văn hóa nguồn cội, mượn truyền thuyết con rồng cháu tiên.

Bức tường lớn chạy dọc bảo tàng, được thiết kế thành hai bức tranh phù điêu cao 9 m, dài 99 m, ghi lại lịch sử và đời sống nghìn năm dân tộc Việt. Ông Lý Huy Sáng - Tổng giám đốc Minh Long cho biết bức phù điêu như thước phim tua chậm về dân tộc, đất nước, phù hợp triết lý gìn giữ nghìn câu chuyện mà công ty theo đuổi hàng chục năm nay. Từng hình ảnh người dân sinh hoạt, khai hoang bờ cõi, trạng nguyên bái tổ… khai thác truyền thuyết dân gian cũng như nét văn hóa đặc trưng dân tộc.

Thay vì ráp từng mảnh sứ, mỗi chi tiết đều là bức tượng nguyên vẹn, đúc riêng biệt rồi ghép lại hài hòa trong bức tranh lớn. Điểm đặc biệt, bức tranh lớn nhưng không lộ ra vết ráp, đường nối, đòi hỏi kỹ thuật chính xác của người nghệ nhân từ khâu tạo hình đến đúc tượng, hoàn thiện. 20 năm qua, bức tường không ít lần bị lột bỏ, đúc lại từng bức tượng, ráp lại từ đầu để đạt tính hoàn thiện cao nhất.

Đại sảnh có bộ 3 đèn sứ, mỗi đèn cao đến 5 tầng, nặng 1 tấn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết con rồng cháu tiên. "Thế giới chưa từng có đèn đèn chùm nào bằng sứ lớn và nặng đến thế", ông Lý Ngọc Minh mô tả.

Trên bộ đèn, cửa chính, trần nhà… đan cài các hoạ tiết dương xỉ, tạo hình cánh sen, hình ảnh tiên rồng, ngụ ý về truyền thống xa xưa, mang đậm vẻ đẹp Á đông. Ngược lại, các bộ bàn ghế, bức tường, tủ kính pha lê… thể hiện dấu ấn phương Tây hiện đại, khéo léo chắt lọc vẻ đẹp đa dạng nền văn hoá.

Sảnh chính có nhiều bức tranh thể hiện kỹ thuật hàng đầu thế giới của Minh Long. Bức tranh Sơn Hà - dùng hình ảnh linh vật đầu rồng mỏ phượng để biểu đạt vẻ đẹp hùng vĩ đất nước, nền tranh dùng màu đỏ son. Tranh Cẩm Tú với màu xanh vua (King blue) khó chế tác, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp trong phối trộn nguyên liệu cho đến kỹ thuật nung, cho ra sắc xanh đậm, sâu, sắc sảo.

Tranh Sen Bốn Mùa biểu thị dòng chảy thời gian qua cảnh sen nở rồi tàn, ngụ ý về sự luân hồi nối tiếp của sự sống. Mùa xuân sen nở chớm nở, mùa hạ nắng chói, mùa thu chuồn chuồn rợp trời báo hiệu thời tiết thay đổi, đến đông lá và hoa dần tàn nhưng mầm non vẫn tiếp tục nhú lên, bắt đầu một đời sống mới.

Kế đến là khu trưng bày những sản phẩm kích cỡ nhỏ nhất của Minh Long, chỉ vài cm, tiêu biểu cho mỹ thuật văn hóa Việt Nam. Mỗi năm Minh Long xuất khẩu 30-40 triệu sản phẩm này sang châu Âu, tất cả đều nắn thủ công nhưng độ chính xác tuyệt đối. Vật liệu sứ và men đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, để các bức tượng có thể gắn vào nhân bánh trong các bữa tiệc.

Khu Thời trang trưng bày những dòng sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, trang sức. Điểm nhấn là ba bức tượng biểu trưng người phụ nữ ba miền. Mỗi tượng có độ cao 1,7 mét nung liền khối mà ông Minh mô tả “Khó vô cùng”. Thông thường khi làm tượng người chỉ nung thân và đầu riêng biệt rồi mới ráp vào. Nung liền khối đòi hỏi kỹ thuật cao cấp, độ sai số cao, thử và sai đến hàng chục lần mới có thể hoàn thiện.

Tiến thêm vào trong, du khách có thể dừng chân nhìn ngắm bức tranh Đồng hồ Bướm với hơn 800 cánh bướm hội tụ. Mỗi chú bướm được nắn thủ công, không trùng lặp từ màu sắc đến góc đập cánh, tư thế. Đồng hồ có gắn động cơ, biểu thị thời gian thực thay vì chỉ dùng trang trí.

Điểm xuyết nét đẹp thiên nhiên, Minh Long mang đến rặng hoa tulip rực rỡ sắc màu, hồ sen rung rinh trong gió. Từng bông hoa, cái lá đều được nắn với kích thước như thật. Điểm đặc biệt, cánh hoa tulip mỏng đến độ ánh sáng xuyên qua, mỏng như vỏ lụa nhưng vẫn cứng chắc, rực rỡ.

Từ khu trưng bày, bước chân du khách đến với khu trưng bày cuối cùng tại tầng trệt: sản phẩm ngoại cỡ - những bức tượng, chiếc cup, chén thánh mang dấu ấn lịch sử của Minh Long.

Hai bên khu trưng bày mô phỏng những dòng sông ở tỉnh Bình Dương với những cổ vật từng trục vớt dưới lòng sông, tái hiện lịch sử cổ xưa của xứ sở gốm sứ.

Tầng hầm mô phỏng làng nghề xưa với các bức tượng đồng tái hiện các công đoạn làm gốm sứ. Các bức tượng người với đa dạng thao tác, từ bưng kệ chén, sắp xếp sản phẩm đưa vào lò nung, các công đoạn nhồi đất, chuyển đất với xe bò, phun men, vẽ rồi cột từng chồng chén để đem bán, chuyển hàng bằng ghe, bằng xe ngựa…

Nơi đây có một lò nung, là chiếc lò mang tính cách mạng của Minh Long, đánh dấu lịch sử lần đầu có lò phẳng, có thể đốt từ oxy đến hoàn nguyên - một trong những thành tựu mà được các chuyên gia trong ngành đánh giá: Minh Long nghiên cứu trong 10 năm bằng bước tiến 100 năm của gốm sứ truyền thống.

Rời làng nghề là đến sân khấu biểu diễn với các nhạc cụ bằng sứ: trống, violin, đàn nhị, sáo, đàn tranh, đàn bầu.

Ông Lý Huy Sáng cho biết, ý tưởng của việc chế tác nhạc cụ sứ xuất phát từ 30 năm về trước, trải qua quá trình nghiên cứu dày công. Với nhạc cụ, điều quan trọng nhất là phải tạo ra rung động. Đặc điểm của gốm sứ là cứng, thiếu mềm dẻo như gỗ. Ngoài ra sứ có độ giòn lớn, nếu dây đàn căng nhiều có thể gây áp lực, nứt vỡ. Vì vậy khi chế tác, hãng phải giải quyết bài toán cân bằng giữa độ cứng, mềm dẻo, độ rỗng để âm thanh sắc nét, trầm bổng mà vẫn bền vững.

Rời làng nghề là đến sân khấu biểu diễn với các nhạc cụ bằng sứ: trống, violin, đàn nhị, sáo, đàn tranh, đàn bầu.

Ông Lý Huy Sáng cho biết, ý tưởng của việc chế tác nhạc cụ sứ xuất phát từ 30 năm về trước, trải qua quá trình nghiên cứu dày công. Với nhạc cụ, điều quan trọng nhất là phải tạo ra rung động. Đặc điểm của gốm sứ là cứng, thiếu mềm dẻo như gỗ. Ngoài ra sứ có độ giòn lớn, nếu dây đàn căng nhiều có thể gây áp lực, nứt vỡ. Vì vậy khi chế tác, hãng phải giải quyết bài toán cân bằng giữa độ cứng, mềm dẻo, độ rỗng để âm thanh sắc nét, trầm bổng mà vẫn bền vững.

Điểm cuối tham quan là khu sản xuất hiện nay của Minh Long, tụ hội mọi món đồ gốm sứ từ thủ công đến hiện đại - sản xuất hàng loạt với robot tối tân. Từ nhà máy dựng bằng tranh tre, Minh Long đến nay tự chủ toàn bộ quy trình: làm đất - men - khuôn - giấy hoa - điện cơ khí, cung cấp những sản phẩm đột phá về mỹ thuật, nghệ thuật, kỹ thuật. Từ chén đĩa trên bàn ăn, hãng lần đầu chế tác nồi sứ luộc không nước, đũa sứ, bộ sản phẩm thưởng trà - cà phê… phổ cập lối sống dưỡng sinh vào đời sống thường ngày; mang đến những bộ tặng phẩm tầm quốc gia.

Khu thủ công mỹ nghệ

Tiến thêm vào khu vực trưng bày các sản phẩm cao cấp nhất, du khách có thể tham quan quá trình sáng tạo của các nghệ nhân, trực tiếp vẽ tay lên các bình hoa.

Nhà truyền thống

Điểm đến thứ 5 trong bảo tàng là nhà truyền thống, nơi tái hiện không gian sống, làm việc của nhà sáng lập Minh Long. Từ thuở đầu gian khó đơn sơ, mỗi hiện vật mang trong mình một câu chuyện sống động, mô tả hành trình gây dựng hãng gốm sứ với bao thử thách gian nan.

Ông Minh cho biết, không gian tái hiện lại hành trình gây dựng Minh Long của cậu bé mồ côi cha, không được đến trường, tự khám phá lĩnh vực mình đam mê. Trong nhà, khu vực lớn nhất là tủ sách với hàng trăm cuốn trải dài tất cả lĩnh vực. Lý giải vì sao đọc nhiều, ông Minh ví hành trình vun đắp kiến thức như dệt vải, người học là con thoi, cần liên tục tìm tòi, đào sâu kiến thức lẫn cách tư duy ở phương Tây lẫn Á đông, hiểu gốc rễ vấn đề cũng như cái lý của sự vật.

Ngoài học kiến thức, ông Lý Ngọc Minh còn học lối tư duy, cách sống. Gối đầu giường của ông là bộ 5 cuốn sách: gương danh nhân, gương hy sinh, gương kiên nhẫn, gương thành công, gương chiến đấu của Nguyễn Hiến Lê. Bộ sách này cũng được ông sưu tầm, gói ghém làm quà tặng cho 4 người con, trong buổi khánh thành bảo tàng, chuyển giao trọng trách kế nhiệm Minh Long.

Bảo tàng với ông Lý Ngọc Minh là một giấc mơ “có một không hai”, bởi niềm tin: gốm sứ có thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn về thể chất lẫn tâm hồn. Cùng với tình yêu ngành gốm sứ, mục tiêu về cuộc sống tốt đẹp hơn, đưa gốm sứ Việt lên tầm thế giới trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tạo kiên trì để ông và đội ngũ dám thử những điều chưa ai làm, không e dè thất bại.

“Mỗi người đều có một tố chất trời sinh, một sứ mệnh. Minh Long chính là sứ mệnh, di sản cả cuộc đời tôi. Đến nay, khi bảo tàng gốm sứ sắp ra mắt, nơi đây sẽ lưu giữ giá trị văn hóa đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ rằng: điều quan trọng không phải học ở đâu mà là học và làm điều đó như thế nào”, ông nói.

Ông truyền tải giá trị của việc học từ cốt lõi qua những tác phẩm kỷ lục của Minh Long trưng bày trong bảo tàng. Học tắt mà hiểu sâu, hãng mới có thể vượt qua những thách thức trong chế tác, đưa ra những cách làm sáng tạo, lần đầu tiên có trong ngành gốm sứ như chiếc lò nung ngang thay vì đắp cao, nung sứ một lần ở nhiệt độ đến 1.380 độ C.

Nhà sáng lập Minh Long đi nhiều. Ông nói đôi chân đã "quần nát" những kinh đô của ngành gốm sứ, từ Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đến các nước châu Âu. Mỗi nơi, ông lưu lại nhiều năm, thậm chí từng bỏ 20 năm chỉ để học cách làm sứ của Trung Quốc.

"Học từ sách vở lẫn thực tế, chọn thầy giỏi nhất, máy móc tốt nhất, tìm khoáng sản từ vùng mỏ chất lượng nhất, đủ bền chí đeo đuổi giấc mơ", ông Lý Ngọc Minh mô tả hành trình xây dựng Minh Long, tái hiện trong bảo tàng gốm sứ.

Đúc kết những giá trị đó, ngày 4/1, trong buổi lễ khánh thành bảo tàng, ông Lý Ngọc Minh đứng trên bục sân khấu không phải với vai trò vị chủ tịch, nhà sáng lập mà coi mình như một nghệ nhân dành cả cuộc đời cho gốm sứ, nhắn gửi những tâm tình với thế hệ kế nhiệm, quan khách. Ông nhấn mạnh di sản quý giá nhất mà ông để lại không phải nhà máy hay những thành tựu vật chất mà chính là văn hóa doanh nghiệp, cách thức làm việc, chuyên môn và tinh thần cầu tiến. Ông mong tinh thần này sẽ được lưu truyền, nối giữ, thêm tỏa rộng qua bảo tàng, đưa ngành gốm sứ Việt thăng hạng trên bản đồ quốc tế.

Ông Lý Huy Sáng cho biết bảo tàng thể hiện mục tiêu của hãng: đã làm thì phải tốt nhất, đưa đến những kỷ lục cao nhất. Du khách ghé đến đây sẽ hiểu thêm về nghề chế tác gốm sứ không chỉ chân lấm tay bùn mà hội tụ những công nghệ cao nhất, từ robot tự động hóa đến AI, đồng thời lan tỏa giá trị nghệ thuật, văn hóa.

Còn với ông Lý Ngọc Minh nhấn mạnh, bảo tàng là giấc mơ có một không hai, thể hiện trọn vẹn triết lý của Minh Long suốt 55 năm nay: “Tinh hoa từ đất - Tinh xảo từ người”. Ông kỳ vọng, mỗi người đến đây có thể thưởng lãm những tác phẩm sống động, giàu giá trị nghệ thuật, tự hào về nền văn hóa và kỹ thuật sản xuất gốm sứ của nước nhà.

Bảo tàng gốm Minh Long
 
 

Nội dung: Lê Minh
Video: Hoàng Thanh
Ảnh: Tùng Trương
Thiết kế: Hằng Trịnh - Sơn Bá