Thứ tư, 4/12/2024
Thứ năm, 13/6/2024, 08:00 (GMT+7)

Bảo tàng cổ vật triều Nguyễn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

TP HCMBảo tàng tư nhân trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, có hàng trăm cổ vật thời Nguyễn, chia thành các khu tham quan theo từng vị vua hoặc loại hình nghệ thuật.

Hoạt động từ đầu tháng 6, bảo tàng hoàng cung triều Nguyễn nằm ở tầng 8, 9 của một tòa nhà trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, trưng bày hàng trăm cổ vật triều Nguyễn (1802-1945).

Các cổ vật thuộc bộ sưu tập của ông Đỗ Hùng - người sáng lập bảo tàng. Ông cho biết mở địa điểm này để giới thiệu đến khách những hiện vật được sưu tầm qua hơn 30 năm. "Tôi muốn nhiều người biết đến vẻ đẹp truyền thống qua các hiện vật xưa, góp phần gìn giữ tinh hoa dân tộc", ông nói.

Bên trong bảo tàng được thiết kế theo kiểu kiến trúc cung đình Huế. Không gian tầng 8 trưng bày cổ vật liên quan tới các vị vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định. Tầng 9 giới thiệu theo chủ đề về các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, thú chơi, ẩm thực.

Trong ảnh là khu trưng vày các hiện vật có từ thời vua Khải Định (1916 - 1925) với các bộ chén đĩa, rương, trang phục, sách... Ở chính giữa là chiếc tủ vua thứ 12 nhà Nguyễn từng sử dụng.

Một chiếc đĩa của sứ giả Bồ Đào Nha tặng vua Gia Long do chủ nhân bảo tàng sưu tập được.

Những chiếc đĩa, bát, bình... bằng nghệ thuật pháp lam, được sử dụng trong cung đình Huế, chế tác thời Minh Mạng (1820 -1841) - vị vua thứ hai triều Nguyễn.

Pháp lam là loại hình mỹ thuật xuất xứ từ phương Tây được những người thợ Trung Quốc tiếp thu, cải biến và truyền bá sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đặt Tượng cục Pháp lam - bộ phận thuộc nội phủ chuyên chế tác đồ cho cung đình. Sản phẩm bao gồm các loại hình đồ gia dụng, đồ thờ cúng và trang trí kiến trúc nội, ngoại thất các cung điện.

Hai chiếc tranh gương cung đình có từ thời vua thứ ba triều Nguyễn - Thiệu Trị (1841 - 1847).

Theo Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Cố đô Huế, tranh gương có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng cầu kỳ, là đồ trang trí chỉ chốn cung đình mới có.

Những hiện vật được sử dụng trong Thái Y viện dưới thời Tự Đức (1847 - 1883), vua thứ 4 và tại vị lâu nhất trong lịch sử 143 năm triều Nguyễn.

Dưới thời Nguyễn, Thái Y viện là quan phòng chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng cung. Thái Y viện được thành lập năm Gia Long thứ nhất (1802), ban đầu xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong Kinh thành. Sau đó vua Minh Mạng cho dời về phía đông Duyệt Thị đường, trong Đại nội.

Bức ngự bút và kim khánh vua Kiến Phúc (1883-1884) ban cho thứ trưởng ngoại giao Pháp thời đó, kèm theo một bản dịch sang tiếng Pháp. Theo bảo tàng, những hiện vật này có giá trị cao vì thời gian tại vị của vua Kiến Phúc ngắn, không dễ dàng sưu tập được vật dụng liên quan tới ông.

Chiếc cúp được đặt ở Pháp năm 1915 để làm quà tặng nhân dịp sinh nhật vua Duy Tân (1907 - 1916). Năm đó, triều đình đặt hai chiếc cúp chất liệu sứ dát vàng, bên trong trang trí hình ảnh rồng năm móng - biểu tượng quyền lực của hoàng đế và con dấu của triều đình.

Võng ngồi của công chúa (trái) và hoàng tử với chất liệu bàng gỗ dát vàng. Hai đòn của võng trang trí hình chim phượng biểu trưng cho công chúa, hình con lân dành cho hoàng tử.

Bộ chén dĩa, đũa, thố... trong khu trưng bày về ẩm thực cung đình triều Nguyễn.

Theo sách An Nam phong tục của Đoàn Triển (1854 - 1919), tiệc hạng nhất có 12 chén và 12 đĩa, số lượng tăng dần theo quy mô tiệc. Thức ăn tuỳ theo tiệc mà có gà, vịt, hải sản nhưng thịt heo và xôi nếp bắt buộc phải có. Ngoài ra, rượu là thức uống quan trọng và phải được thoải mái sử dụng.

Bộ thú chơi đầu hồ có niên đại thời vua Tự Đức được trưng bày. Đây là môn chơi dành riêng cho nhà vua, vương giả, đại thần thời phong kiến, phổ biến ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. "Đầu" nghĩa là ném, "hồ" là cái bình, người chơi sẽ ném phi tiêu vào miệng bình.

Tại Việt Nam, trò chơi này được ghi chép rõ vào thời Nguyễn. Theo đó, vua Tự Đức là người chơi giỏi môn này. Vua Bảo Đại cũng yêu thích đầu hồ bên cạnh các trò thể thao khác như bắn cung, tennis, cầu lông.

Ngoài trưng bày hiện vật triều Nguyễn, bảo tàng còn một khu trưng bày trang sức 54 dân tộc, mở cửa từ 9 đến 22h tất cả các ngày. Giá vé cả hai khu là 450.000 đồng một khách, nếu tham quan riêng một khu là 250.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 1 m, hiện giảm giá trong thời gian mới khai trương.

Bảo tàng chưa có chỗ giữ xe, khách gửi ở các bãi quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net