Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, 7h hôm nay bão trên vùng biển phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 410 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất 90 km/h (tương đương cấp 9), tăng một cấp so với hôm qua.
Với hướng di chuyển tây tây bắc, vận tốc 20 km/h, đến 19h bão sẽ cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 120 km về phía đông, sức gió không đổi.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, vùng ảnh hưởng của bão từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, nhưng trọng điểm là Thanh Hóa - Hà Tĩnh. "Khoảng đêm nay và rạng sáng mai, bão sẽ áp sát bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh, dự kiến 4h sáng 17/7 đi vào bờ với cường độ cấp 8-9. Tuy nhiên, bão có thể đến sớm lúc 1h và muộn nhất là 7h".
Các trung tâm khí tượng thế giới đều nhận định, trong hôm nay bão di chuyển hướng tây tây bắc và hướng Bắc Trung Bộ, khi cập bờ đạt cấp 8-9.
Hoàn lưu bão sẽ gây mưa to ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ vào ngày 16-18/7. Trong đó Thanh Hóa, Nghệ An có tổng lượng lên mưa đến 250-350 mm; đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250 mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200 mm. Khu vực khác của Bắc Bộ và Quảng Bình - Thừa Thiên Huế là 50-150 mm.
Sau khi bão suy yếu, mưa vẫn duy trì ở vùng núi phía Bắc, nhất là Hòa Bình, nam Sơn La và dọc trung du đồng bằng với lượng mưa 100-150 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo tình trạng ngập úng ở khu đô thị, thuộc các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. Vùng núi khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 6h ngày 16/7 các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã hướng dẫn cho hơn 65.000 phương tiện với hơn 260.000 người và gần 3.000 lồng bè, lều chòi biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng chống. Cấm biển từ 12h trưa 16/7, tất cả công việc phải hoàn tất trước 17h hôm nay, nhất là ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hình thành từ vùng áp thấp ngày 13/7 và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là bão vào ngày 15/7, Talas là cơn bão thứ hai xuất hiện ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão đầu tiên hình thành ngày 11/6, sau đó đi vào Trung Quốc. Theo cơ quan khí tượng, mùa mưa bão 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó 3-4 cơn đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ. |