Diễn ra từ 23 đến 25/11 tại Hà Nội, Triển lãm Không gian Di sản Văn hóa Việt Nam là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm góp phần tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc trên các vùng miền đất nước. Bảo tàng Áo dài tham gia triển lãm để giới thiệu đến công chúng thủ đô và du khách thập phương về câu chuyện của tà áo đã gắn liền với lịch sử dân tộc trong suốt quá trình phát triển, hội nhập.
Trong không gian văn hóa phương Đông với sắc đỏ chủ đạo, điểm xuyết những đóa cúc họa mi chớm nở đặc trưng cho tiết thu Hà Nội, hình ảnh áo dài dân tộc qua các thời kỳ lôi cuốn người xem, bởi mỗi đường nét, họa tiết, vóc dáng và chất liệu đều biểu thị vẻ đẹp cho nếp sống người Việt.
Khách tham quan sẽ được thưởng lãm hơn 40 hiện vật áo dài quý phản ánh 5 chủ đề đa dạng như: Áo dài lịch sử, Áo dài của các nhân vật nổi tiếng, Áo dài di sản, Áo dài trẻ em, Áo dài hội nhập và điểm nhấn Áo dài hoa sen – quốc hoa Việt Nam. Bộ sưu tập "Áo dài di sản" giúp người xem cảm nhận về hình ảnh áo dài như một hiện thân không thể tách rời với biểu tượng văn hóa quan trọng của quốc gia.
Tại khu vực triển lãm áo dài, khách tham quan có thể lưu lại khoảnh khắc mặc thử những thiết kế áo dài đương đại. Các em thiếu nhi được trực tiếp tham gia vẽ trên giấy những mẫu áo dài cùng các nghệ nhân. Đây là các hoạt động tương tác, nhằm khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về di sản theo tinh thần "Thiếu nhi và tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam" được chú trọng tại sự kiện năm nay.
Qua hành trình hơn 5 năm, Bảo tàng không chỉ trưng bày những tác phẩm từ nhiều loại hình nghệ thuật mang cảm hứng sáng tạo xoay quanh áo dài, mà còn quảng bá áo dài như một trang phục truyền thống chứa đựng giá trị tinh thần dân tộc tại nhiều sự kiện mang tính quy mô quốc gia và quốc tế.
Ông Hồ Xuân Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Dấu Ấn Việt Nam – Đơn vị quản lý Bảo tàng Áo dài cho biết Bảo tàng Áo dài thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm chuyên môn, hệ thống các nghiên cứu chuyên sâu toàn diện về áo dài dưới nhiều góc độ từ lịch sử, khoa học, văn hóa, xã hội, kỹ thuật cắt may cho đến ghi nhận thực tế đời sống các thế hệ nghệ nhân trên khắp vùng miền đất nước.
"Đó là nỗ lực không ngừng nghỉ trong bước tiến đến mục tiêu được UNESCO công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đến với sự kiện triển lãm lần này, Bảo tàng áo dài muốn góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng chung tay bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa dân tộc, tạo sự tiếp nối vững vàng giữa truyền thống và hiện đại", ông Dũng nói.
Các hiện vật áo dài của bảo tàng đang được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bảo tàng Áo dài hiện tọa lạc trên đường Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, TP HCM với quần thể không gian thiên nhiên rộng mở gần 20.000 m2 phảng phất màu sắc thiền tịnh, mang dấu ấn kiến trúc truyền thống đặc trưng vùng miền Tây sông nước. Nơi đây không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi của dân tộc trong nhịp sống thời đại, mà còn thúc đẩy hành trình hội nhập cùng các nền văn hóa thế giới.
Kim Ngân