Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 16h, bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 510 km, sức gió mạnh nhất 117 km/h, cấp 10-11, giật cấp 14. Đêm nay và ngày mai, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16h ngày 17/7, bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 410 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Từ đêm mai, bão giữ hướng và tốc độ. Đến 16h ngày 18/7, bão ở ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình, sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Bão sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu dần ở vùng núi, trung du Bắc Bộ.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão đang tiến sát Lôi Châu với sức gió 126 km/h, sau khi vượt qua đảo này vào vịnh Bắc Bộ còn hơn 82 km/h. Đài Hong Kong cũng có nhận định tương tự về hướng đi vào đất liền Việt Nam qua hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, tuy nhiên sức gió lúc cập bờ là hơn 105 km/h.
Do ảnh hưởng của bão, bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15. Từ chiều tối mai, bắc vịnh Bắc Bộ (gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13-14.
Trên đất liền, từ gần sáng 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần từ cấp 8 đến 10, giật cấp 12-13. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Bắc Biển Đông có sóng biển cao 5-7 m, bắc vịnh Bắc Bộ cao 3-5 m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định sóng biển cao 2-4 m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình nước dâng do bão từ 0,5 đến 0,8 m.
Từ đêm 17 đến 20/7, Bắc Bộ mưa lớn 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa và Nghệ An mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Quảng Ninh, Hải Phòng bắt đầu sơ tán dân
Trước thông tin có thể ảnh hưởng bởi bão, Đồn Biên phòng Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh) đã cử 3 tổ công tác gồm 40 cán bộ, chiến sĩ gia cố chằng chống lồng bè giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Đồn cũng đã cử cán bộ túc trực, hướng dẫn ngư dân neo đậu, kéo thuyền vào các điểm tập kết, cắt nhánh cây, dọn dẹp và chằng néo những vật dụng cần thiết để đảm bảo an toàn khi bão đến.
Trên vùng biển Móng Cái có 418 phương tiện hoạt động ven bờ với hơn 1.200 ngư dân, 15 hộ nuôi trồng thủy sản. Hiện 100% phương tiện và các hộ dân nuôi trồng thủy sản đã được thông báo về tình hình mưa bão. Địa phương sẽ đưa người từ các khu nuôi lên bờ, hoàn thành công việc này trước 16h ngày mai.
Tại huyện đảo Cô Tô, tối nay đồn biên phòng Đảo Trần sẽ bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão. Huyện Cô Tô cũng ra thông báo cấm tắm biển, cấm hoạt động vui chơi giải trí trên biển và khuyến cáo người dân về đất liền trước khi cấm biển.
Tại Hải Phòng, huyện Cát Hải đã thông báo dừng hoạt động tham quan trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và các bãi tắm từ 12h ngày mai. Công tác sơ tán người trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở xung yếu cũng sẽ hoàn thành trước 17h ngày mai.
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An chủ động cấm biển với tàu cá, du lịch; sơ tán người dân ra khỏi nhà yếu, khu vực có nguy cơ bị ngập, cửa sông. Ở khu vực miền núi, chính quyền cần di dời dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương kiểm tra hệ thống đê điều, hồ chứa, sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện cứu hộ trong trường hợp cần thiết. Sáng 17/7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với các tỉnh, thành để bàn về phương án phòng chống bão.