-
18h00
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, tâm bão đang trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng - Bình Định, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm 75 km/h (cấp 8), giật cấp 9-10. Giữ hướng Tây, sau đó là Tây Nam, tốc độ 15 km mỗi giờ, tối nay tâm bão sẽ đi vào các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hoàn lưu bão đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to. Tổng lượng mưa tính đến 13h ngày 14/9 phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 258 mm; Tiên Sa (Quảng Nam) 257 mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi) 215 mm...
-
18h10
Đà Nẵng đang có gió to, sóng biển dữ dội. Những đợt gió liên tục từ sáng khiến nhiều cây xanh bật gốc, nhiều tấm biển quảng cáo điện tử trên đường Bạch Đằng bị đánh bật, hư hỏng hoàn toàn. Đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê) bị cấm lưu thông ở đoạn qua bờ hồ. Tương tự, cầu Thuận Phước được đặt hàng rào cấm lưu thông từ trưa 14/9. Sáng nay, nhiều người đi xe máy qua cầu này gặp nguy hiểm khi gió liên tục giật mạnh.
Lực lượng công an đang túc trực ở những điểm này, phía trong đoạn đường cấm nhiều cây đã ngã đổ.
Là địa phương tâm bão đi qua, Quảng Nam trời tạnh mưa, nhưng gió bắt đầu rít liên hồi. Tại bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, gió giật trên cấp 7, sóng biển cao chừng 5 m, đánh mạnh vào bờ kè tung bọt trắng xóa. Hàng trăm nhà hàng tại đây đã chằng chống, đóng kín cửa. Trong khi đó, lực lượng chức năng vẫn đang hối hả tỉa cành cây trên các tuyến phố trước khi bão đổ bộ.
-
18h20
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và Phát triển huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, suốt 30 phút qua, trời nổi mưa giông kèm theo sấm sét, gió giật mạnh. Đường liên xã trên huyện đảo vắng không bóng người. Hiện ngư dân đã đưa 61 lồng tôm hùm vào cảng neo đậu an toàn. Hàng trăm hộ dân ven đảo cũng đã giằng chống nhà cửa phòng chống bão.
Trên đất liền Quảng Ngãi, gió cũng giật mạnh. Mưa to nhiều giờ trước khiến nhiều đoạn đường ở thành phố bị ngập.
-
18h30
Ở Quảng Nam hầu hết người dân các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn do bão đều di tản theo kiểu cục bộ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, nhà nào yếu sẽ được đưa qua trú tạm tại các hộ có nhà kiên cố. Để tránh bị ngập úng, các hộ dân trên tuyến phố thấp đã di dời tài sản đi nơi khác.
Tại các xã ven biển TP Tam Kỳ, chính quyền chỉ đạo người dân tự di tản, một số ít được đưa đến các truờng học, trạm y tế để tránh trú.
Tại Đà Nẵng, hệ thống điện trên cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu quay Sông Hàn đều bị cắt để đảm bảo an toàn. Các tàu thuyền trên sông Hàn neo đậu tại bến, không còn lưu thông. Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến xe máy đi lại trên cầu Rồng khó khăn, các biển quảng cáo chưa tháo dỡ hết ở một số điểm bị giật tung.
-
18h40Người dân TP Quảng Ngãi hối hả trở về nhà trên các tuyến đường ngập nước.
-
18h50
Ảnh mây vệ tinh cho thấy, tâm bão (vùng trắng đậm đặc ở giữa) đang tiệm cận đất liền. Do hình thành ven bờ, cường độ bão chỉ cấp 8 nên vùng trắng đậm đặc nhỏ. Tuy nhiên, hoàn lưu sau bão (vòng mây màu trắng nhạt xung quanh tâm) khá rộng, gây mưa to cho khắp các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum - Gia Lai, lượng mưa trong 3 ngày tới khoảng 200-300 mm.
-
19h00
Tại Đà Nẵng, tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài 20 km từ trung tâm thành phố đến quận Liên Chiểu có gió giật cấp 8, nhiều cây cối bị bật gốc hoặc rạp nghiêng về một bên. Hàng quán đóng cửa im lìm, trong khi đó tàu sắt Bắc Nam vẫn hoạt động bình thường.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tâm bão đang cách bờ biển Quảng Nam khoảng 25-30 km, chỉ 1-2 tiếng nữa sẽ đi vào đất liền Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Tiến sâu vào đất liền, bão sẽ nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trong đêm.
Điều lo ngại nhất, theo ông Hải, là hoàn lưu sau bão gây mưa diện rộng cho khắp các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên và lan ra cả đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Chiều mai, Hà Nội sẽ có mưa.
-
19h20
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn bắt đầu nặng hạt ở huyện Bình Sơn. Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, đêm nay nhà máy phân công túc trực hơn 400 chuyên gia, kỹ sư, công nhân trên công trường tại các vị trí then chốt. Trước đó, các kỹ sư, công nhân đã chằng chống một số hạng mục công trình và dọn dẹp vật tư thiết bị, phòng gió mạnh xô ngã gây thương tích cho người lao động và tránh thiệt hại về vật chất.
Tại khu kinh tế Dung Quất, công trình trọng điểm quốc gia vẫn hoạt động bình thường.
-
19h30
Theo Trung tâm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh đã di tản 1.400 hộ dân ở các huyện Thăng Bình, Hội An, Núi Thành đến nơi an toàn. Người dân chủ yếu di tản cục bộ, nhà này ở ghép với nhà kia.
Sau bữa cơm tối vội vàng, mẹ con chị Nguyễn Thị Vỹ (26 tuổi) được chồng chở tới Trạm y tế xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, để trú bão. "Chồng tôi phải về dọn dẹp tài sản trước khi bão vào, tối nay anh ấy phải ở lại để giữ nhà. Ở đây chỉ có người già và trẻ nhỏ", chị Vỹ nói.
Sợ người dân bị đói, Trạm y tế đã hỗ trợ mì tôm. Dự kiến tối nay có khoảng 100 người sẽ di tản đến trạm y tế phường Tam Thanh để trú bão.
-
19h50
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bão áp sát bờ, gió giật mạnh cấp 8 khiến biển động dữ dội, từng đợt sóng vỗ lên bờ kè cao 5-6 m. Mưa giông kèm theo sấm chớp liên hồi, dọc đường nhiều cây bị gãy nhánh. Người dân đóng chặt cửa không dám ra ngoài. Huyện đảo bị mất điện tạm thời khoảng 20 phút và đã có trở lại.