Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22h, tâm áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 175 km, Quảng Nam khoảng 125 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất cấp 7 (60-61 km/h), giật tăng hai cấp.
Trong ba giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/h, sau đó suy yếu dần. 7h sáng mai, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền ven biển khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản ghi nhận, lúc 22h50 hôm nay, bão Sơn Ca vẫn có gió cấp 8 (64 km/h), giật lên 90 km/h, đi hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ 20 km. Đến 9h ngày 15/10 bão dẫn duy trì sức gió cấp 8. Còn đài Hải Quân Mỹ ghi nhận lúc 19h, bão Sơn Ca có gió cấp 8, tuy nhiên đang suy yếu, đến 7h ngày mai chỉ còn dưới 56 km/h, cấp 7.
Trước bão, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn. Riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa rất lớn. Lượng mưa cao nhất được ghi nhận tại Suối Đá, Đà Nẵng là 451 mm; 502 mm ở Cù Lao Chàm, 404 mm ở Lộc Tiến, Thừa Thiên Huế.
Từ tối nay đến 16/10, các tỉnh Quảng Bình đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa lớn và giông, có nơi mưa rất lớn. Trong đó, dự báo lượng mưa ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam là 200-350 mm, có nơi trên 450 mm. Hiện mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều đường, nhà cửa ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Rất nhiều người dân đăng tin trên mạng xã hội kêu cứu vì nhà ngập.
Lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang lên theo điều tiết xả của các hồ chứa thủy điện ở mức trên báo động 2. Từ đêm nay đến 17/10, một đợt lũ có thể xuất hiện trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Nam ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3.
Trước đó, sau bão Noru, hàng nghìn ngôi nhà và nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngập do trận mưa lớn kéo hơn hai ngày, bắt đầu từ đêm 9/10.