Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) thông báo, đến hết ngày 31/10, tỉnh Quảng Bình còn 1 tàu bị mất liên lạc từ 28/10, tỉnh Quảng Ngãi còn 2 tàu với 30 ngư dân không liên lạc được. Hiện lực lượng bộ đội biên phòng tích cực tìm kiếm số tàu này. Trước tình trạng một số tàu đã về nơi neo đậu nhưng chưa an toàn, hôm qua, lực lượng chức năng đã cố gắng bố trí lại. 26 tàu cá của Bình Định do tối 30/10 vào cửa Roòn bị cạn nên được hướng dẫn tránh trú bão ở Mùi Chùa, một số chờ nước lên thì tiếp tục vào cửa Roòn.
![]() |
Bóng màu xanh là vùng tâm bão có thể đi qua. |
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, do bão đang tiến về phía bắc, sức gió vùng tâm bão rất mạnh nên các tỉnh ven biển như Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An cũng được đặt trong tình trạng báo động. Hôm qua, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu lãnh đạo các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và Sở Thuỷ sản không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho tàu thuyền ngoài khơi biết vị trí, hướng đi của bão để tránh.
Hoãn các cuộc họp không cần thiết
Trước đó, chiều 31/10, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh miền Trung trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo sẵn sàng phương án di dời dân trước khi bão đổ bộ; bảo vệ nhà cửa, kho tàng và tàu thuyền tại khu vực tránh trú bão. Đặc biệt, các tỉnh từ Bình Định đến Thừa Thiên - Huế phải đình chỉ ngay các cuộc họp không cần thiết, phân công lãnh đạo xuống khu vực trọng yếu kiểm tra, rà soát công việc phòng chống bão.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 8 để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cùng địa phương sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 8, đảm bảo công tác dự báo chính xác và kịp thời để UBND các tỉnh quyết định thời điểm di dân khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Như Trang