![]() |
Rầy nâu tấn công vào thành phố. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Rầy nâu đang tấn công dữ dội vào các khu vực đô thị. Hai tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang là nơi có mật số rầy nâu trên lúa ở mức cao: 20.000 con/m2, gấp đôi những tháng trước đó. Tại một số điểm bẫy đèn, mật số rầy nâu tăng vọt lên 200.000 con và sẽ còn gia tăng trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết nông dân tỉnh này vừa phải phun xịt trừ rầy nâu vừa tranh thủ thu hoạch lúa để bảo toàn năng suất và chất lượng. Còn khoảng 30.000ha đang được hỏa tốc thu hoạch. Lúa làm đòng và cuối vụ đang là nơi cho “giặc” rầy nâu sinh sôi phát tán khắp nơi.
Người dân ở Tân Hiệp, Gò Quao (Kiên Giang) đã tự bảo vệ mình bằng kính, khẩu trang, có khi không thắp đèn về đêm. Nhiều bẫy đèn, bẫy rầy nâu lập ra dẫn dụ “giặc” rầy nhưng cũng chỉ tạm né được phần nào.
Nhiều ngày qua, cánh xe ôm ở thành phố Rạch Giá phải trang bị kính bảo hộ bởi nếu không sẽ rất khó chịu khi vừa điều khiển xe vừa phải dùng tay che cản rầy nâu.
Thậm chí cả trong phòng mổ bệnh viện, nơi được xem là vô trùng, tiệt trùng cũng bị rầy nâu phá bĩnh. Ở Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, rầy nâu bủa vây hầu hết các khoa phòng. Tại khoa tâm thần kinh, ông Vinh, nhà ở khu chung cư quốc lộ 91, cho biết mấy đêm vào bệnh viện để chăm sóc cha vợ đều không thể chợp mắt. Rầy nâu chui vào người ngứa ngáy, ông phải dùng khẩu trang bịt miệng nhưng khi vừa tỉnh đã bị rầy nâu “bắn” xác vào mắt. Trong bệnh viện đã khử trùng bằng các loại thuốc nồng nặc mùi clo, ête vậy mà vẫn không khử được rầy nâu.
Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết luồng rầy nâu từ một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang di chuyển về TP HCM và đây là loại ưa sáng nên đã bay vào nhà dân hoặc những nơi có ánh sáng mạnh, gây khó chịu cho sinh hoạt của nhiều gia đình. Rầy nâu bay vào khu vực đô thị sẽ tự chết trong khoảng một ngày. Do hiện nay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa hè thu chính vụ nên rầy mất “chỗ ăn ở”, bay vào các đô thị.
Nhiều người lo lắng rầy nâu có mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; trong khi diện tích khoảng 7.000ha lúa của TP HCM đang ở giai đoạn sắp trổ bông, một số khác đẻ nhánh....
Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá các tỉnh phía Nam - cho biết một số tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang... đang tiến hành các thủ tục để trình phê duyệt đấu thầu nguồn thuốc chống dịch. Đồng thời Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã cử cán bộ đến các tỉnh nhiễm rầy nâu nặng để phòng chống dịch.
(Theo Tuổi Trẻ)