Ngày 28/1, nhiều tờ báo, hãng tin lớn trên thế giới đưa tin về kết quả Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi đại hội bầu ra Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Tổng bí thư.
Tín hiệu tích cực
Hãng truyền thông Al Jazeera đưa tin về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, cho rằng đây là kết quả "củng cố nguyên tắc đồng thuận" trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhận định rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tiến trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam.
NYTimes dẫn lời ông Frederick Burke, chuyên gia tại hãng luật Baker & McKenzie, cho rằng sự thành công của Đại hội XII là "tín hiệu tích cực" cho thấy quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam đã diễn ra "suôn sẻ", "phản ánh sự ổn định chính trị và thượng tôn pháp luật" của đất nước.
Tờ báo này nhắc lại chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái, để dự đoán rằng các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ duy trì mối quan hệ thân thiện với các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Cũng theo NYTimes, ông Nguyễn Phú Trọng là người góp phần thúc đẩy tiến trình Việt Nam gia nhập TPP, mở ra cơ hội phát triển và hội nhập rất lớn cho nền kinh tế đất nước.
Xinhua của Trung Quốc dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đại hội kết thúc 8 ngày làm việc "với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, đổi mới" và lời cam kết của ban lãnh đạo về việc "chung sức gánh vác trách nhiệm nặng nề do Đảng và nhân dân giao".
Tờ USA Today dẫn lời Christian Lewis, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị ở Eurasia Group, cho rằng sau Đại hội XII, Việt Nam "sẽ tiếp tục mối quan hệ cân bằng, ổn định với các nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ".
Chuyên gia này chỉ ra rằng dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, hệ thống chính trị ổn định của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn, khi so sánh với các nước trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan.
Cải cách để tận dụng TPP
Đài tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ thuộc Học viện Chính sách và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng các nhà lãnh đạo mới được bầu ra sau Đại hội XII biết rõ Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh và hội nhập với thế giới, nhất là khi Việt Nam gia nhập TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
"Sẽ có những cải cách, không chỉ là về kinh tế, mà còn về xã hội, để mọi người có thể thích ứng với các đòi hỏi của nền kinh tế và nhu cầu nhân lực mới", giảng viên về chính sách công này nói.
Chuyên gia kinh tế Izumi Devalier thuộc HSBC cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam "dường như đều nhất trí rằng việc tiếp tục cải tổ nền kinh tế là cần thiết để đảm bảo tăng mức sống cho người dân", đồng thời nêu ý kiến rằng Việt Nam cần nới lỏng mối quan hệ giữa các công ty, tập đoàn nhà nước và các ngân hàng cho vay vốn.
USA Today cho rằng các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ cần nỗ lực hết mình để duy trì sức phát triển của nền kinh tế, với tỷ lệ tăng trưởng 6,7% trong năm qua. Đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam trong 5 năm qua, khi vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục 14,5 tỷ USD. Theo hãng này, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, các nhà đầu tư và sản xuất nước ngoài sẽ hướng tới những quốc gia như Việt Nam.
Báo này chỉ ra rằng việc khai thác các lợi thế mà TPP mang lại sẽ là một thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam, đòi hỏi họ phải thực sự đẩy mạnh cải cách kinh tế, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, chẳng hạn như sự kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước hay tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng.
Hãng tin AP dẫn lời ông Trần Minh Thắng, một nghệ nhân 50 tuổi ở làng gốm Bát Tràng, nói rằng điều mà ông mong muốn nhất ở các nhà lãnh đạo mới là họ sẽ tiếp tục mang lại sự ổn định cho đất nước, bởi "chúng tôi không thể làm được gì nếu không có sự ổn định". Ngoài ra, ông còn hy vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ "thúc đẩy cải cách kinh tế", vì theo ông, "một khi đất nước phát triển, công việc kinh doanh của tôi cũng được hưởng lợi".
Việt Dũng