![]() |
Tổng thống Bush và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Hà Nội hồi tháng 11/2006. Ảnh: Reuters. |
Hãng thông tấn của Anh viết: "Chính phủ hai nước dự kiến sẽ ký Hiệp định Khung thương mại và đầu tư, nhằm mở rộng thương mại và giải quyết các tranh chấp. Vietnam Airlines và hãng Boeing sẽ đàm phán về các hợp đồng máy bay.
Hà Nội và Washington đã ký kết hai hiệp định thương mại trong 6 năm qua, mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi tháng 1. Thương mại hai chiều trị giá 9,7 tỷ USD và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nước này có tốc độ phát triển 8% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 780 USD.
Những hoạt động đầu tiên của Chủ tịch Triết sẽ diễn ra vào thứ hai, cùng ngày với phiên tòa phúc thẩm ở New York về việc liệu các nguyên đơn Việt Nam có thể kiện hay không 32 nhà sản xuất Mỹ về loại chất độc dioxin mà Mỹ đã sử dụng tại nước này trong suốt một thập kỷ, cho tới năm 1971.
Mặc dù mối quan hệ song phương vẫn tồn tại những vấn đề, theo các nhà phân tích, tình bạn giữa hai nước nay đã đủ vững vàng và những vấn đề như vậy sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng".
Còn tờ New York Times dẫn lời chuyên gia kinh tế của UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus nhận xét: "Chuyến thăm sẽ cho thấy Mỹ là một đối tác đáng tin cậy và chín chắn. Điều này đối với Việt Nam rất quan trọng".
Tờ báo Mỹ cũng ca ngợi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là một người có tầm nhìn xa: "Khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông đã nổi tiếng về những sáng kiến ủng hộ kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Khi lãnh đạo tỉnh Bình Dương, một vùng nằm trong đất liền ở phía bắc thành phố Hồ Chí Minh và có ít điều kiện để phát triển, ông đã nới lỏng các điều kiện về đầu tư tư nhân và nước ngoài, giúp tạo ra một trong những khu vực giàu có nhất của đất nước, một nam châm thu hút kinh doanh và lao động".
Minh Châu