0h ngày 28/9, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 88 km, Quảng Nam khoảng 75 km, Quảng Ngãi 85 km, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15, một tiếng sau sức gió giảm một cấp.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói sau thời gian này, khoảng 2-3 giờ nữa bão vào bờ, mạnh cấp 12-13, riêng TP Huế gió khoảng cấp 10. Trong 5 thang cấp độ rủi ro thiên tai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được xác định cấp độ 4; Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai cấp 3.
Trước đó, hoàn lưu trước bão đã gây lốc xoáy làm khoảng 300 nhà ở thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, bị giật sập, 8 người bị thương. Từ 7h đến 22h ngày 27/9, một số nơi mưa đặc biệt lớn như hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) gần 280 mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 230 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 240 mm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ 3 điều lo lắng với cơn bão này là đổ bộ vào ban đêm, cường độ mạnh và kết hợp với thủy triều cao nhất tháng khiến nước biển dâng 1-2,5 m, tràn vào vùng ven biển, cửa sông, gây ngập lụt.
1h30, sát với dự báo, tâm bão vào Đà Nẵng, trời bắt đầu mưa lớn từng đợt, gió quật vào cửa nhà, mái tôn tạo tiếng động rầm rầm. "Dù đã đóng kín tất cả cửa nhưng tôi vẫn nghe gió gầm rú, tôn xung quanh xóm bật liên hồi", chị Hà Ánh Ngọc, 44 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, nói.
Sát với tâm bão, Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận gió mạnh. Tại xã vùng biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, gió giật khoảng cấp 7-8, chính quyền đã di dời 71 hộ dân với 306 người trong vùng này vào trường học, đình chùa tránh bão.
2h, nhiều người ở tâm bão Quảng Nam nói "gió giật kinh khủng, cảm giác ra ngoài là bị thổi bay". Các mái tôn được chèn chống bằng nhiều bao cát song vẫn bị gió giật tung.
Quảng Ngãi mưa ngớt dần, song gió giật mạnh, rít liên tục từng hồi, nước dâng cao ở các sông, gây ngập ở ba cầu tràn trên huyện Sơn Hà. Tại huyện Lý Sơn, toàn bộ hộ dân bị mất điện, một số nơi ghi nhận nhà tốc mái, cây ngã đổ.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, gió bão đã gây mất điện cho một số tỉnh thành trong khu vực. Bước đầu Quảng Ngãi ghi nhận 210.000 hộ dân bị mất điện, Quảng Nam hơn 345.000 hộ.
Ngoài ra còn Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng bị mất điện diện rộng. Nguyên nhân liên quan sự cố đường dây trung thế 22 kV ở khu vực. Tổng công ty đã huy động nhân lực để khắc phục.
2h30, tại Đà Nẵng, sóng biển kết hợp với thủy triều dâng cao khoảng 2 m khiến nước tràn bờ sông Hàn, gây ngập đường Bạch Đằng. Tình trạng này cũng tương tự ở dọc 30 km bờ biển Đà Nẵng, nước biển xâm lấn các khu dân cư ven biển.
"Do các cửa tòa nhà đóng kín, vì chút tò mò tôi hé cửa sổ ra, bất ngờ bị gió hút, kéo nửa người trên ra ngoài. Tôi phải bám chắc vào thành cửa sổ, may trụ vững. Trong đêm nghe tiếng mái tôn bị gió cuốn đi, va vào nhau chát chúa, rùng mình", anh Nguyễn Nam cho hay.
3h30, TP Hội An, Quảng Nam ngớt mưa, "vắng lặng chưa từng thấy", người dân ở yên trong nhà khi chính quyền yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h ngày 27/9. Những tuyến đường vốn dập dìu khách du lịch đến rạng sáng, hiện đóng cửa im lìm. Nhiều khu vực bị mất điện, tối om, chỉ nghe tiếng gió giật và tiếng tấm tôn đập ầm ầm. Gió quật tơi tả những giàn hoa giấy ven đường.
"Mấy tiếng trước gió rít ghê rợn, nhưng giờ gió nhè nhẹ, sốt ruột không thể ngủ nổi", anh Duy Hậu, người dân sống ở xã Cẩm Thanh, nói. Cả gia đình anh thức theo dõi diễn biến bão, nước biển dâng. Nhà anh Hậu cao hơn mặt đường khoảng một mét, song nước biển đã dâng tới mép thềm.
Tại huyện Thăng Bình, nhà của chị Võ Thị Anh Xuân ở thôn An Thịnh 1, xã Bình An bị sập và bay một phần mái tôn. Lúc này có 7 người gồm 4 trẻ em, hai người lớn, một người già ở bên trong tránh bão và bị mắc kẹt, sau 30 phút mới thoát được ra ngoài.
Hơn 4h, Quảng Nam trời bỗng lặng gió, mưa tạnh, song theo nhiều người dân, đây là dấu hiệu cơn bão sẽ quật trở lại và mạnh hơn lúc đầu, vì vậy không được chủ quan. Chuyên gia khí tượng cũng nhận định như vậy, cho rằng gió lặng sau nửa tiếng rồi mạnh trở lại.
Thời điểm trên bão giảm cấp, còn 117 km/h, cấp 10-11, giật cấp 13. Hiện một nửa bão đã đi vào Đà Nẵng - Quảng Nam, nửa còn lại ở trên biển.
Hơn 5h, sau 30 phút lặng gió, tạnh mưa, bão Noru quần thảo trở lại. Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, mưa lớn dội ầm ầm xuống mái nhà "như bị ném đá". Hết đợt này đến đợt tiếp, nhiều ngôi nhà tốc mái.
Anh Phan Văn Đức, trú xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, cho biết ban đầu gia đình không sơ tán vì nghĩ ở nhà để kịp xử lý hậu quả của bão. Khi bão đổ bộ, gió quá mạnh nên cả nhà hoang mang, phải mang đồ qua nhà hàng xóm trú tránh. "Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đáng sợ vậy, gió quá khinh khủng", anh Đức kể.
Bản tin phát đi lúc hơn 5h của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết toàn bộ tâm bão đã đi vào khu vực đất liền giữa Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong hôm nay, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ có mưa với lượng phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm, khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
"Với mưa lớn như vậy thì khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ quét rất cao. Kinh nghiệm từ những cơn bão gần đây cho thấy khi bão đổ bộ thì chúng ta phòng chống tương đối tốt, nhưng khi bão qua lại có thiệt hại lớn do sạt lở đất, lũ quét nên người dân cần lưu ý", ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nói.
Ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão, vùng cửa biển Thừa Thiên Huế ghi nhận sóng đánh mạnh vào bờ kè, tràn sâu vào bờ biển.
Cơ quan chức năng kiến nghị tiếp tục cho học sinh tại những khu vực ảnh hưởng bão nghỉ học trong hôm nay; đồng thời chưa cho ngư dân ra khơi đánh cá vì sóng biển còn lớn; khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở núi.
Cùng thời điểm này, tại tâm bão Đà Nẵng, chủ trì cuộc họp với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Noru, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu dù bão đã suy yếu, người dân không nên chủ quan, vì thực tế nhiều người không tử nạn trong bão mà trong lũ. Phó thủ thướng đồng tình chưa vội cho học sinh đi học. Nhà trường nên kiểm tra lại cơ sở vật chất. Các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình bão lũ.
7h, gió bão giảm còn 74 km/h, cấp 8. Tại nhiều tỉnh thành như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối trên đường phố bật gốc đổ ngổn ngang, mái tôn bay khắp nơi, mất điện diện rộng... Lực lượng chức năng đang cử người thu dọn, khắc phục hậu quả
Ở sột số nơi, các gia đình đi tránh bão tại trường học, công sở bắt đầu đưa nhau trở về nhà. Nhiều người như chết lặng khi thấy nhà của mình tan hoang, đồ đạc, tài sản bị gió thổi tung, gạch vữa đổ đè lên.
8h30, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tâm bão đang trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất còn cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong vài giờ tới, bão chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là áp thấp trên Thái Lan.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo tiền phương, bão Noru làm 8 người ở Quảng Trị và 8 người ở Thừa Thiên Huế bị thương. 76 nhà dân, chủ yếu ở tâm bão Quảng Nam, bị sập. Hơn 2.600 nhà bị hư hại, tốc mái, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam với 1.150, Quảng Ngãi 630, Huế hơn 410 nhà.
Ngoài ra, một ghe ở Quảng Nam và bốn tàu nhỏ ở Đà Nẵng bị hư hại, chìm tại khu neo đậu; 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B và một số tỉnh lộ. 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.
Về điện, 10.510 trạm biến áp bị hư hại, làm mất điện hơn 1,2 triệu khách hàng ở miền Trung và Tây Nguyên. Dự kiến, chiều tối nay lưới điện sẽ được khôi phục.
Nhóm phóng viên