Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật họp và bỏ phiếu cho các tác giả, tác phẩm hôm 12 và 13/7. Dù thông tin chưa được công bố chính thức, một số nguồn tin cho biết nhà văn Bảo Ninh trượt giải thưởng lần này.

Nhà văn Bảo Ninh.
Nhà văn Bảo Ninh được cho là không qua được vòng xét chọn cuối cùng do không đủ số phiếu bầu. Theo quy định, các hồ sơ được xét tặng phải đủ tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng.
Trả lời báo Tiền Phong, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết Hội đồng Nhà nước có 28 thành viên trong đó chỉ có bốn người thuộc lĩnh vực văn chương là ông, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Trí Huân. Tỷ lệ phiếu bầu của Bảo Ninh ở Hội đồng cấp Nhà nước là 76% trong khi quy định là 90% mới đạt. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng đó là con số yêu cầu quá cao. Ông cũng cho biết Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam sẽ làm công văn đề nghị xem xét bỏ phiếu lại.
Ở hai vòng trước, tác giả Nỗi buồn chiến tranh đều nhận được tỷ lệ bầu chọn cao.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật được trao cho tác giả của các lĩnh vực âm nhạc, văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, điện ảnh, văn nghệ dân gian và kiến trúc. Các hồ sơ trải qua ba vòng: vòng cơ sở, vòng xét giải chuyên ngành cấp Bộ, vòng Hội đồng cấp Nhà nước.
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, là một trong những nhà văn tên tuổi của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh in lần đầu năm 1987 với tên Thân phận của tình yêu. Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991, được đánh giá là tiểu thuyết về thời hậu chiến hay nhất của văn học Việt Nam đến nay. Sách từng được dịch ra tiếng Anh năm 1994 và gây được tiếng vang với bạn bè quốc tế.
>> Xem thêm:
Günter Giesenfeld: 'Nỗi buồn chiến tranh' hay hơn 'Phía Tây không có gì lạ'