Carrie Krawice, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Michigan (Mỹ) nói độ tuổi lý tưởng để kết hôn, ít có khả năng ly hôn trong ba năm đầu tiên là 28-31 tuổi.
"Đây là lý thuyết Goldilocks - hiệu ứng cho rằng con người đạt đỉnh cảm xúc (sung sướng, hưng phấn) tột độ khi độ tuổi không quá trẻ hay quá già để kết hôn", chuyên gia nói.
Dưới góc độ khoa học, chuyên gia này cho rằng thùy trán là phần cuối cùng của não phát triển toàn diện và thường trưởng thành muộn nhất ở tuổi 25, thậm chí 30. Do vậy, các quyết định cuộc sống đưa ra trước 25 tuổi có thể có vấn đề, bởi con người khi đó chưa hoàn thiện.
Nói cách khác, các cuộc hôn nhân tuổi teen hoặc kết hôn sớm thường sẽ thất bại. Theo thống kê, một cá nhân kết hôn ở tuổi 25 có khả năng ly hôn thấp hơn 50% so với một người kết hôn ở tuổi 20.
Chuyên gia Kemie King của công ty luật King Lindsey, ở Florida, Mỹ cho biết cuối tuổi 20 và đầu 30 là thời điểm sự nghiệp bắt đầu phát triển, tài chính ổn định. Đó là lúc tình yêu ít mơ mộng hơn và mọi người thực tế hơn về kỳ vọng của họ. Các cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi 30 không chỉ trưởng thành hơn, mà còn có trình độ học vấn cao và tài chính an toàn hơn.
Viện Nghiên cứu gia đình Mỹ đã xem xét dữ liệu khảo sát quốc gia về tăng trưởng gia đình (2006-2010) nhận thấy từ độ tuổi 25 trở đi, mỗi năm thêm vào tuổi kết hôn, tỷ lệ ly hôn giảm đi 11%. Nhưng quy luật này chỉ đúng với trước tuổi 32. Từ khoảng năm 2000, nguy cơ ly hôn của những người kết hôn ở độ tuổi 30 đã chững lại. Như vậy, kết hôn ở đầu 30 tuổi có nhiều khả năng ly hôn hơn những người kết hôn ở tuổi cuối 20.
Ngay cả sau khi điều chỉnh nhân khẩu học và xã hội học trong dữ liệu NSFG (National Survey of Family Growth, một bộ dữ liệu thu thập thông tin về thai kỳ, sinh đẻ, hôn nhân và sống chung, vô sinh, và việc sử dụng biện pháp tránh thai) giáo sư của Viện nghiên cứu gia đình Mỹ, Nicholas H. Wolfinger, nhận thấy xu hướng mới vẫn ổn định.
Với hầu hết mọi người, bất kể giới tính, chủng tộc, truyền thống tôn giáo, lịch sử tình dục và cấu trúc gia đình họ lớn lên, cuối những năm 20 tuổi dường như là thời điểm tốt nhất để kết hôn.
Dữ liệu của Wolfinger chỉ theo dõi các cuộc hôn nhân đầu tiên đến 45 tuổi, nên không thể đo lường hết kết quả thực tế trong cuộc sống. Tuổi thọ ngày càng tăng tạo ra những khả năng mới và cả những nguy hiểm cho hôn nhân.
Nhưng tính cách của một người có thể đóng vai trò quan trọng. Những kiểu người đợi đến 30 tuổi mới kết hôn có thể không làm tốt vai trò của mình trong hôn nhân. "Họ trì hoãn hôn nhân, thường là vì không thể tìm được ai sẵn sàng kết hôn với họ'', ông nói.
Wolfinger cũng cho rằng di truyền và ly hôn có mối liên hệ với nhau. Một người từng có bố mẹ ly hôn, hậu quả là cuộc hôn nhân của họ cũng có nguy cơ cao.
Luật sư luật gia đình Dallas Jeff Anderson, Mỹ, cho rằng nếu ai đó chưa kết hôn cuối độ tuổi cuối 30 đầu 40, họ ít có khả năng sẵn sàng cho một mối quan hệ.
Tất nhiên, trong tình yêu, mọi kết quả nghiên cứu đều có thể sai. "Tình yêu là tình yêu bất kể bạn bao nhiêu tuổi. Không có hai người nào giống nhau và tôi không muốn một đôi mất nhau chỉ vì họ nghĩ không ở độ tuổi phù hợp", Anderson nói.
Nhật Minh (Theo Washingtonweddingday)