Cuộc điều tra xã hội tiến hành tại Mỹ từ năm 1972 đến 2016, với hơn 450.000 người tham gia cho thấy có sự tỷ lệ thuận giữa tình trạng kinh tế xã hội và hạnh phúc: Người có địa vị xã hội và kinh tế cao hơn có mức độ hạnh phúc cao hơn và ngược lại.
Vậy tiền có mua được hạnh phúc không? Nghiên cứu của Đại học Princeton chỉ ra rằng ít nhất thì tiền cũng có ích cho sự hạnh phúc. Sự tự tin khi biết mình có tiền có thể góp phần vào mức độ ổn định của hạnh phúc, cũng như sức khỏe tổng thể. Trong khi đó, những người có điều kiện kém hơn có nhiều vấn đề xấu nảy sinh hơn, thậm chí lão hóa nhanh hơn.
Vậy cần có bao nhiêu tiền để được hạnh phúc? Theo một nghiên cứu của Đại học Purdue ở bang Indiana, số tiền mà một người cần có để hạnh phúc rất khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn, nơi sinh sống và văn hóa của mỗi quốc gia. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy mức lương lý tưởng để hài lòng với cuộc sống ở Bắc Mỹ là 105.000 USD.
Các nghiên cứu đưa ra nhiều kết quả khác nhau nhưng lại cùng chung quan điểm: Một người sẽ hạnh phúc khi đạt mức lương lý tưởng. Đây là số tiền giúp một người trang trải các nhu cầu cơ bản mà không cần làm nhiều công việc. Người này có nhiều khả năng, nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè, các sở thích khác... và đó là những tác nhân giúp hình thành hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi số tiền một người kiếm được vượt quá mức lương lý tưởng, tức là họ bắt đầu kiếm được nhiều tiền, các chi phí của họ tăng lên theo, sự bận rộn của họ cũng tăng lên, điều này tác động trực tiếp đến niềm hạnh phúc họ có.
"Bạn có thể kiếm được 300.000 USD, điều này nghe có vẻ tuyệt vời về mặt lý thuyết. Nhưng nếu bạn đang làm việc 80 giờ một tuần và không thể tận hưởng số tiền bạn đang kiếm được, bạn không còn hạnh phúc nữa", theo chuyên tài chính Bryan Podvin ở Michigan (Mỹ), người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân.
Brittany Charles, chuyên gia tài chính của Fiscally Responsible (Mỹ), giải thích rằng đồng tiền hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc khi người sử dụng nó để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống.
Chủ tịch tập đoàn tài chính Duncombe Financial Group, ông Justin Duncombe nêu quan điểm: "Tiêu tiền không có mục đích rất nguy hiểm. Ví dụ những người về hưu có tiền và sống không có mục đích thường rơi vào tình trạng sức khỏe kém và dễ qua đời sớm".
Trong khi đó, Allison Baggerly, chuyên gia ngân sách và người sáng tạo nội dung cho tờ Inspired Budget, cho biết, khi bà không biết quản lý đồng tiền và gặp khó khăn về tài chính, cuộc sống trở nên rất mệt mỏi. Khi bà học được cách quản lý đồng tiền của mình và có tiết kiệm, cô cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Theo Shari Greco Reiches, nhà quản lý tài sản, chuyên gia tài chính và tác giả của cuốn sách Maximize Your Return on Life, tiền bạc sẽ không còn mua được hạnh phúc khi bạn không biết thế nào là đủ.
"Giả sử bạn tốt nghiệp đại học và nhận được căn hộ đầu tiên, khi đó bạn rất hạnh phúc. Sau đó bạn khao khát một căn hộ tiện nghi hơn, bạn muốn có tiền để mua những thứ nhằm nâng cấp cuộc sống lên một cấp độ cao hơn. Đó là một con dốc trơn khiến bạn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có ở hiện tại", ông giải thích.
Thùy Linh (Theo Realsimple, Menafn)