Trong một nghiên cứu năm 2017 do tổ chức Scientific Reports thực hiện, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy gần 82 tỷ vi khuẩn trên mỗi inch của miếng bọt biển nhà bếp đã qua sử dụng.
Một nghiên cứu khác cho thấy, miếng bọt biển nhà bếp có khả năng chứa nhiều vi khuẩn hơn bất kỳ nơi nào khác trong nhà, bao gồm cả nhà vệ sinh, trong đó tích tụ các vi khuẩn gây bệnh như salmonella, E. coli...
Theo tờ Today (Mỹ), bạn nên thay miếng bọt biển mỗi tuần một lần. Trong khi đó, theo chuyên trang chăm sóc gia đình Meredith Home, thời gian lý tưởng nhất để thay bọt biển là sau nửa tháng. Chuyên trang Well + Good nhận định, việc thay miếng bọt biển tùy thuộc vào tần suất sử dụng nó, ví dụ người thường xuyên nấu bữa tối tại nhà và rửa nồi, bát bằng tay sẽ phải thay liên tục so với người dùng máy rửa bát và ít ăn ở nhà.
Cách làm sạch miếng bọt biển
Trong trường hợp bạn không muốn thay miếng bọt biển liên tục (để tiết kiệm, hoặc vì bạn thấy miếng đang dùng còn mới), nên làm sạch chúng thường xuyên. Có ba cách hiệu quả để làm sạch miếng bọt biển:
- Cho miếng bọt biển vào lò vi sóng. Chuyên gia Martha Stewart giải thích, bạn có thể đặt miếng bọt biển ướt trong lò vi sóng khoảng một phút, để nhiệt độ cao làm nhiệm vụ khử trùng miếng bọt biển.
Lưu ý, cần đảm bảo miếng bọt biển của bạn không có bất kỳ mảnh (sợi) kim loại nào, bởi chúng sẽ bắt lửa trong lò vi sóng.
- Cho miếng bọt biển vào trong máy rửa bát ở cài đặt rửa ở chế độ sấy khô.
- Ngâm miếng bọt biển trong nước tẩy pha loãng để diệt vi trùng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn sử dụng các vật liệu khác thay thế miếng bọt biển. Ví dụ, kỹ thuật viên dọn dẹp nhà cửa Donna Smallin Kuper cho rằng bạn có thể sử dụng khăn/giẻ để thay thế miếng bọt biển vì chúng khô nhanh hơn. Bạn cũng có rất nhiều lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường trên thị trường như bọt biển silicone đến xơ mướp...
Thùy Linh (Theo House Digest)