Tháng 8/2024, Nhật Bản thua Việt Nam 0-1 ở giải giao hữu U16 Peace Cup tại Trung Quốc. Tám tháng sau, hầu hết cầu thủ tham dự trận này tái ngộ ở vòng bảng U17 châu Á 2025 đang diễn ra tại Arab Saudi. Nhật Bản chiếm thế trận và sớm dẫn bàn ở phút 13, nhưng sai lầm cuối trận khiến họ chịu phạt đền và bị cầm hòa 1-1.
"Một trận hòa đáng thất vọng vì để lỡ cơ hội sớm giành vé dự U17 World Cup", bài viết trên Soccer Digest có đoạn. "Thêm một lần nữa bóng đá Nhật Bản muối mặt trước Việt Nam".

Cầu thủ Nhật Bản thất vọng sau khi bị gỡ hòa ở phút bù thứ sáu hiệp hai, tại lượt hai bảng B U17 châu Á 2025, trên sân Okadh, Arab Saudi tối 7/4/2025. Ảnh: Gekisaka
Việt Nam hiếm khi hòa hoặc thắng Nhật Bản. Nếu tính riêng giải U17, hôm qua mới là trận hòa đầu tiên của đội tuyển trước nền bóng đá số một châu Á. Trước đó, Việt Nam toàn thua năm trận, lần lượt là 0-2 (vòng bảng 2000), 2-4 (tranh HC đồng 2000), 0-6 (vòng bảng 2010), 0-7 (vòng bảng 2016) và 0-4 (vòng bảng 2023).
Dù vậy, những năm gần đây, Việt Nam cũng vài lần gây sốc cho Nhật Bản. Đáng kể là trận hòa 1-1 ở lượt cuối vòng loại ba World Cup 2022 trên sân Saitama. Còn ở ASIAD 2018, Việt Nam từng thắng 1-0 ở vòng bảng. Khi ấy, đội tuyển sở hữu thế hệ vàng U23 như Quang Hải, Công Phượng cùng ba cầu thủ quá tuổi hàng đầu là Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Anh Đức và Đỗ Hùng Dũng, trong khi Nhật Bản cử đội U20. Cả hai trận đều dưới thời HLV Park Hang-seo.
Bàn thua của U17 Nhật Bản trên sân Okadh tối qua đến sau đường chuyền dài từ sân nhà của thủ môn Hoa Xuân Tín. Bóng nảy ra sau hàng hậu vệ, còn thủ môn Ibuki Ejike do dự trong băng ra, đến khi thực hiện thì đã chậm hơn Trần Gia Bảo một nhịp dẫn đến phạm lỗi và chịu phạt đền. Chính Gia Bảo sau đó thực hiện thành công, giúp Việt Nam giật lại một điểm.
"Cầu thủ Nhật Bản lứa này vật lộn với việc xử lý các pha bóng đơn giản kể từ khi thành lập đội", tờ Gekisaka nhận xét. "Một kết thúc gây sốc khiến một số cầu thủ đã đổ gục trên sân".
Sai lầm này tương tự bàn thua trong trận thắng UAE 4-1 ngày trận ra quân. Gekisaka cũng đánh giá rất khó phá vỡ hàng thủ Việt Nam kiên cường có lúc chơi với sáu hậu vệ. Nhưng Nhật Bản cũng thiếu mạo hiểm và không tự tin dù có bàn dẫn trước sớm từ tình huống cố định.
"Vấn đề không phải Nhật Bản tệ, mà là Việt Nam chơi tốt. Cầu thủ có kỹ năng tốt, còn tập thể được tổ chức tốt", bài viết trên Soccer Digest có đoạn. "Nếu thế hệ này phát triển tốt, họ có thể trở thành đối thủ đáng gờm với Nhật Bản trong tương lai".

Thủ môn U17 Nhật Bản Ibuki Ejike (số 12) không thể cản phá cú đá phạt đền của tiền đạo U17 Việt Nam Trần Gia Bảo. Ảnh: Gekisaka
Trong khi đó, Báo Hàn Quốc Xports News châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa hai nền bóng đá kỳ phùng địch thủ. Tờ này dẫn thông tin trong cuộc họp Ủy ban kỹ thuật LĐBĐ Nhật Bản, có người đã chế giễu trận Hàn Quốc thua Indonesia 0-1 tại lượt ra quân bảng C U17 châu Á 2025.
"Trận hòa Việt Nam cho thấy Nhật Bản cũng không khác biệt nhiều", Xports News bình luận. "Sau khi chế giễu Hàn Quốc, họ phải chịu sự sỉ nhục lớn".
Nhật Bản vẫn đang dẫn đầu bảng B với bốn điểm, hơn UAE một điểm, Việt Nam hai điểm và Australia ba điểm. Ở lượt cuối vào ngày 10/4, họ chỉ cần hòa Australia là chắc suất đi tiếp.
Trang chủ LĐBĐ châu Á (AFC) nhận định: "Sự bế tắc của Nhật Bản đã giúp lượt trận cuối trở nên thú vị hơn". Còn Soccer Digest thì hy vọng "việc mất hai điểm vừa xong không ảnh hưởng đến thành tích tương lai tại giải".
Trung Thu