Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay bão tiếp tục di chuyển chậm 10-15 km/h, chếch về phía nam. Đến 13h ngày mai, tâm bão cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 350 km, sức gió giảm còn 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12.
Sau đó, bão giữ hướng đi, tương tác với không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống nên cường độ giảm nhanh. Đến 13h ngày 20/10, bão trên vùng biển Hà Tĩnh - Quảng Bình, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió giảm còn 61 km/h, cấp 7.
Tại cuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng nay, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đưa ra hai kịch bản bão. Thứ nhất, xác suất 60-69% bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp trước khi vào vùng biển Trung Bộ.
Kịch bản thứ hai xác suất 30-40%, bão tới phía nam đảo Hải Nam, tương tác mạnh với không khí lạnh mạnh, tan trước khi đi vào đất liền. Đất liền mưa và gió không đáng kể.
Đài khí tượng Nhật Bản cho rằng bão Nesat đang đạt cực đại với sức gió khoảng 145 km/h, khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa giữ nguyên cường độ. Tối 19/10, khi áp sát bờ biển Việt Nam, bão giảm còn 100 km/h, cấp 10; sau đó giảm tiếp khi đổ bộ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.
Đài Hong Kong cho rằng bão sẽ giảm dần cường độ khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào miền Trung. Hướng di chuyển của bão các đài Việt Nam và quốc tế tương đối giống nhau.
Do ảnh hưởng của bão, trong hôm nay bắc Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh dần từ cấp 9 đến 12, giật cấp 14, sóng biển cao 6-8 m, vùng gần tâm bão 8-10 m.
Vùng biển phía tây bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa rào, giông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 4-6 m. Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5 m.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, đến 6h30 sáng nay các địa phương đã thông báo, kiểm đếm gần 60.000 tàu thuyền với hơn 270.000 lao động biết về diễn biến của bão. Hiện có 3 tàu Quảng Ngãi với 33 ngư dân đang ở khu vực đảo Đá Lồi của quần đảo Hoàng Sa, là vùng biển nguy hiểm.
Trong hơn 20 ngày qua, Biển Đông đã xuất hiện ba cơn bão gồm Noru, Sơn Ca và Nesat. Gần nhất, bão Sơn Ca suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam rạng sáng 15/10, gây mưa từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trong đó tâm mưa là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Đà Nẵng đã trải qua đợt ngập lụt chưa từng có làm 6 người chết, hạ tầng giao thông, tài sản của người dân bị mất mát rất nhiều, hiện chưa thể thống kê.
Dự báo xa từ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.