Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 16h tâm áp thấp ở bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa, sức gió 40-50 km/h, cấp 6, giật tăng hai cấp.
Đêm nay, áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1h ngày 15/10, vùng áp thấp sang Thượng Lào.
Đài Nhật Bản cho biết bão Nangka suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ chiều nay, sức gió hiện tại 64 km/h. Đài Hong Kong nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ đi qua các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và thành vùng áp thấp ở Thượng Lào.
Vịnh Bắc Bộ bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ đêm nay sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m. Ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7.
Hoàn lưu bão đã gây mưa vừa, mưa to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa trong 6 giờ qua (từ 9-14h) dao động 20-60 mm. Trong 6 giờ tới, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục mưa 20-50 mm, có nơi trên 80 mm.
Mưa dự báo kéo dài đến 16/10 ở đồng bằng, ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng lượng mưa 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc Bộ mưa 50-100 mm.
Ngoài cơn bão trên, Biển Đông chuẩn bị đón áp thấp nhiệt đới khác, được phát triển từ xoáy thấp nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal tới vùng biển Philippines.
Hình thành từ ngày 5/10, dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal đến vùng biển Philippines đã gây mưa to, ngập lụt cho miền Trung Việt Nam. Bốn xoáy thấp từ dải hội tụ này đã phát triển thành hai ấp thấp nhiệt đới (một đã tan, một sắp vào Biển Đông) và hai cơn bão Linfa, Nangka.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 14/10 mưa lũ đã làm 36 người chết (30 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển; 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến nạn nhân sạt lở thủy điện Rào Trăng 3), tăng 8 người so với ngày 13/10; 12 người mất tích.
Nước lũ đang rút chậm, còn 212 xã, phường với hơn 135.300 hộ dân bị ngập.